Mua bán qua nhiều khâu trung gian
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành thông báo Kết luận Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phục vụ phòng chống dịch COVID-19 tại TP Hà Nội (giai đoạn từ ngày 1/1/2020 – 31/12/2021).
Theo TTCP, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát và có nguy cơ diễn biến phức tạp, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã quan tâm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các sở ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng. Trong đó có việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, thuốc phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là đội ngũ y bác sỹ của TP Hà Nội đã có nhiều cố gắng, tích cực ứng trực ngày đêm với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nên thành phố dù là địa phương có nhiều trụ sở các cơ quan Trung ương, trường Đại học, tập trung nhiều doanh nghiệp, mật độ dân cư đông đúc, số lượng người nhập cảnh lớn, song tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người.
Tuy nhiên, qua thanh tra đã phát hiện giá của 20 loại thiết bị y tế do các nhà thầu cung cấp cho các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội (58 gói thầu) được mua bán qua nhiều công ty trung gian, các công ty ký hợp đồng mua bán với nhau trong thời gian ngắn, mỗi lần như vậy giá trang thiết bị đều có mức chênh lệch tăng cao, dẫn đến giá của đơn vị trúng thầu cao hơn nhiều lần so với giá nhập khẩu. Sau khi thanh lý hợp đồng, nhà thầu giảm giá nhưng vẫn chênh hơn 49 tỷ đồng.
Cụ thể, có 41 gói thầu thiết bị tại 34 bệnh viện và CDC Hà Nội, do 2 nhà thầu đã mua, bán qua nhiều công ty trung gian có giá trị chênh lệch lớn là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc trúng thầu và Công ty TNHH Đầu tư phát triển Tùng Bách, trúng thầu với tổng giá trị hơn 66 tỷ đồng, trong khi giá trị nhập khẩu chỉ hơn 31 tỷ đồng, chênh lệch hơn 35 tỷ đồng. Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu giảm giá còn chênh hơn 22 tỷ đồng.
Đối với 40 gói thầu thiết bị tại 33 bệnh viện và CDC Hà Nội, do 3 nhà thầu là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Lê, Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao và Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông, có tổng giá trị trúng thầu hơn 37 tỷ đồng, giá trị nhập khẩu chỉ hơn 17 tỷ đồng, chênh lệch hơn 18 tỷ đồng sau khi được giảm giá.
Các gói thầu thiết bị còn lại có giá trúng thầu hơn 30 tỷ đồng, giá nhập khẩu chỉ hơn 13 tỷ đồng. Sau khi thanh lý hợp đồng nhà thầu được giảm giá vẫn chênh hơn 8,9 tỷ đồng...
CDC Hà Nội một trong số các đơn vị y tế của Hà Nội có sai phạm. |
Giá sinh phẩm, kit xét nghiệm chênh lệch 33 tỷ đồng
Về giá một số loại sinh phẩm, hóa chất, vật tư, kit xét nghiệm, TTCP kết luận, đối với mặt hàng kit realtime PCR chẩn đoán Sars-Cov-2 được CDC Hà Nội và các bệnh viện mua của Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông có mức giá chênh lệch 2,49 lần; mua của Công ty 3TK chênh lệch giữa giá bán và giá mua từ 1,68 - 5,52 lần; Công ty TNHH Phát triển công nghệ Ứng dụng Việt Nam chênh từ 2,79 - 4,59 lần.
"Còn tổng giá trị của các loại hóa chất, sinh phẩm, vật tư, kít xét nghiệm đã được 12 đơn vị (CDC và 11 bệnh viện) thuộc Sở Y tế Hà Nội trúng thầu và ký hợp đồng mua sắm có giá trị hơn 73 tỷ đồng, cơ quan thanh tra xác định giá trị nhập khẩu chỉ hơn 37 tỷ đồng, chênh hơn 33 tỷ đồng sau khi giảm giá", kết luận nêu.
Về việc đặt hàng xét nghiệm, TTCP cho hay, Sở Y tế Hà Nội đã trao các quyết định giao cho CDC thành phố đặt hàng với các đơn vị căn cứ vào đơn giá tạm thời theo hướng dẫn của Bộ Y tế, của UBND TP và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh cấp bách, Sở Y tế sử dụng nguồn dự phòng ngân sách thành phố phê duyệt các quyết định bổ sung kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 và giao cho CDC ký hợp đồng với các đơn vị thực hiện xét nghiệm theo đơn giá tạm thời là chưa đúng quy định.
Điển hình là việc CDC Hà Nội ký hợp đồng đặt hàng với các bệnh viện giá kit xét nghiệm và sinh phẩm đầu vào khác nhau, trong đó một số đơn vị sau khi ký đã mua kit, sinh phẩm của Công ty công nghệ Việt Á với giá 470.000 đồng/kít... đây là mức giá đầu vào "quá cao" so với một số Công ty nhập khẩu, sản xuất khác (giá trúng thầu của họ sau khi giảm giá chỉ 217.273 đồng/kít).
Từ những sai phạm nêu trên, TTCP kiến nghị UBND TP Hà Nội có biện pháp kiểm tra, xử phạt theo thẩm quyền; đồng thời, chuyển thông tin để Bộ Công an giao cơ quan chức năng xác minh, làm rõ đối với một số gói thầu thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm tại một số đơn vị đã nêu trong kết luận.