Đề xuất chế độ đãi ngộ giáo viên ngang bằng với công an, quân đội

TPHCM đề xuất chế độ đãi ngộ ngang bằng với công an, quân đội
TPHCM đề xuất chế độ đãi ngộ ngang bằng với công an, quân đội
TPO - Phải xem đội ngũ nhà giáo là đội ngũ đặc biệt, có chế độ đãi ngộ đặc biệt (như quân đội, công an,…) để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành sư phạm...

Đó là đề nghị của UBND TPHCM với đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,

Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.

Theo UBND TPHCM, ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố là đơn vị luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, tích cực, sáng tạo, năng động, mạnh dạn thí điểm nhiều giải pháp đột phá nhằm nâng cao hiệu suất, chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp nhân lực cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố cũng như cả nước.

Nhiều Đề án, Chương trình có tính đột phá đã được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đem lại hiệu quả tích cực như: chương trình “Nhà ở cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo thành phố”; chương trình “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”, các Đề án “Thẻ học đường thông minh - Thẻ SSC”, “Phổ cập và nâng cao năng  lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố”; “Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách đối với viên chức y tế trường học”; “Mô hình trường tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập quốc tế”; “Đề án Xóa mù chữ”; “Xây dựng Xã hội học tập”; “Nâng cao chất lượng  công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường”.

Về luật giáo dục, UBND TPHCM cho rằng còn nhiều bất cập. Cụ thể, Luật Giáo dục định nghĩa “Nhà giáo” không bao gồm các cán bộ quản lý giáo dục. Vì vậy, gây khó khăn khi điều chuyển, bổ nhiệm các nhà giáo giỏi về công tác tại các đơn vị quản lý giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo). Việc triển khai thực hiện một số mô hình thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh như mô hình “trường tiên tiến, hiện đại theo xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế”, “trường tự chủ”,… chưa được quy định trong Luật Giáo dục nên gặp khó khăn (các trường theo mô hình tiên tiến phải đóng thuế).

Cũng theo UBND TPHCM, cần có sự linh hoạt trong một số quy định, cụ thể như định hướng mở trong biên chế năm học (thay vì 9 tháng/năm học như hiện nay); cơ cấu giờ, tiết học cũng linh hoạt (học 1 buổi, 2 buổi hoặc học cả ngày) để tiếp cận xu hướng thế giới và giảm ùn tắc giao thông, phù hợp đặc điểm của địa phương; cho phép sĩ số lớp học linh hoạt theo loại hình trường và đặc điểm địa phương; Nhằm đảm bảo mục tiêu học tập suốt đời, tăng tính phân luồng, bên cạnh hệ thống trường năng khiếu về thể dục thể thao, cần xây dựng hệ thống các trường chuyên về thẩm mỹ, nhạc, họa,… giúp đào tạo chuyên sâu từ nhỏ cho những học sinh sớm bộc lộ năng khiếu. Đồng thời, nghiên cứu thêm các quy định để học sinh nước ngoài có thể học tập chương trình phổ thông của Việt Nam tại các trường công lập.

Đặc biệt, UBND TPHCM đề nghị bổ sung Khoản 1 Điều 70, cụ thể: “Nhà giáo là những người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác hoặc đã có thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác”. Đồng thời, phải xem đội ngũ nhà giáo là đội ngũ đặc biệt, có chế độ đãi ngộ đặc biệt (như quân đội, công an,…) để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành sư phạm.

Cho phép các địa phương có quy mô lớn  bổ sung hệ thống trường bồi dưỡng giáo dục làm công tác bồi dưỡng định kỳ 5 năm, phục vụ việc sàng lọc, nâng cao trình độ giáo viên và thích ứng với sự thay đổi. Cần nâng chuẩn theo quy định của giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học tối thiểu có bằng tốt nghiệp Cao đẳng.

MỚI - NÓNG