“Thần đồng Piano quốc tế” Nguyễn Việt Trung

Ở Ba Lan 19 năm vẫn giữ quốc tịch Việt Nam

Nguyễn Việt Trung.
Nguyễn Việt Trung.
TPO - Các nghệ sĩ đến từ Ba Lan, Hungary sẽ biểu diễn tại Hà Nội (3/7) và tại TP Hồ Chí Minh (5/7), trong đó có “thần đồng Piano quốc tế” Nguyễn Việt Trung. Sang Ba Lan từ khi 6 tháng tuổi, đến nay đã 19 năm nhưng Nguyễn Việt Trung vẫn mang quốc tịch Việt Nam. 

Lâu nay, ở nước ta, tài năng piano không nhiều và thường là “con nhà nòi” âm nhạc. Với Nguyễn Việt Trung, bố là doanh nhân, họ hàng nội ngoại của anh đều là nông dân ở xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Vì sao, với “truyền thống” ấy, Nguyễn Việt Trung lại phát tiết, trở thành một tài năng sáng chói trong nền âm nhạc thế giới?

Ít ai biết “thần đồng âm nhạc”, “cậu bé vàng piano” là con trai út của  tiến sỹ Nguyễn Văn Thân một doanh nhân nổi tiếng, báo Tiền Phong đã đăng mấy kỳ liền bài viết về ông với tiêu đề “Soái Ba Lan”.  Nhiều người nhầm tưởng Nguyễn Việt Trung con trai út của “soái Ba Lan” là  công dân Ba Lan. Nhưng “thần đồng âm nhạc” nổi tiếng ở đất nước của Sopanh này  sang Ba Lan từ khi 6 tháng tuổi, đến nay đã 19 năm, vẫn mang quốc tịch Việt Nam. 

Tại mọi cuộc thi piano Quốc tế có Trung tham dự, Quốc kỳ Việt Nam đều được tung bay kiêu hãnh. Gia đình ông Thân bây giờ  chia làm ba … “niêu”. TS. Thân và con trai lớn sinh sống và làm việc tại Việt Nam; vợ ông ở Ba Lan để chăm sóc Nguyễn Việt Trung và con gái họ sinh sống làm việc tại Mỹ.

Ở Ba Lan 19 năm vẫn giữ quốc tịch Việt Nam ảnh 1

Nguyễn Việt Trung và bố mẹ.

Mỗi lần gia đình sum họp, các thành viên đều nói tiếng Việt. Ông bà TS. Thân thường giáo dục các con về truyền thống, đạo lý của Việt Nam, về lòng yêu nước, tình cha con, tình anh em, bạn bè. Và, bởi vậy, Nguyễn Việt Trung dù thành thạo 5 thứ tiếng, anh vẫn thường nói tiếng Việt; đọc nhiều sách văn học Việt Nam; biểu diễn thành công nhiều dân ca của Việt Nam. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, Trung tranh thủ trở về Việt Nam, đoàn tụ với gia đình, gặp gỡ bạn bè ở Hà Nội.

Nhiều lần Trung  được về quê Thái Bình ăn Tết cùng ông bà, đón Giao thừa, thức đến ba giờ sáng đi xông đất gia đình anh em họ hàng.

Nguyễn Việt Trung bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ rất sớm. Trung từng đoạt giải Nhì cuộc thi piano tại Zyrardow, Ba Lan (năm 2004 và 2006), giải Nhất cuộc thi piano lần thứ ba toàn Ba Lan mang tên Emmy Alberg (2005), giải Đặc biệt cuộc thi Chopin vùng Mazowiecki, Ba Lan (2006).

Năm 2007, Nguyễn Việt Trung đoạt giải Ba Festival piano quốc tế tại Glubczyce, Ba Lan và đoạt giải dành cho tay đàn thể hiện bản nhạc thế kỷ 20 hay nhất. Năm 2008, Trung đoạt giải Tư cuộc thi quốc tế mang tên Frederik Chopin tại Antoni, Ba Lan và giải Nhì cuộc thi quốc tế mang tên Ludwik Stefanski - Hanlina Czerny Stefanska tại Ba Lan, nơi Trung thi với những thí sinh hơn mình 3-4 tuổi.

“Người kế thừa Đặng Thái Sơn” và tâm hồn Việt Nam

Năm 2010, tên Nguyễn Việt Trung được xướng lên cho giải Nhì cuộc thi quốc tế “Chopin cho người trẻ tuổi”. Năm 2011, tại Tây Ban Nha, Nguyễn Việt Trung giành giải nhì (không có giải nhất) và đoạt giải dành cho cây đàn trẻ thể hiện tác phẩm Chopin hay nhất trong cuộc thi Rotaract - Rotary Int’l Piano Competition. Cậu còn được chọn là một trong 8 tài năng trẻ piano trên toàn thế giới tham gia biểu diễn trong chương trình Junior Academy Eppan cùng giáo sư nổi tiếng Andrea Bonatta vào tháng 3/2013. Nguyễn Việt Trung cũng được NSND Đặng Thái Sơn coi như một trong những "người thừa kế" sự nghiệp của mình.

Ở Ba Lan 19 năm vẫn giữ quốc tịch Việt Nam ảnh 2 Nguyễn Việt Trung và các nghệ sĩ quốc tế.
Lại kể về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa rồi của Trung.  Trước 7 vị giám khảo, Trung lập luận, hùng biện vượt quá yêu cầu của bài thi thông thường. Rằng, con người có ước mơ, có lí tưởng thì không có thế lực gì ngăn cản được họ! Rồi Trung kể câu chuyện minh họa cho bài thi của mình rằng, một Hồng quân Liên Xô, trước cái chết vẫn bảo vệ ước mơ, lí tưởng của mình. Có lẽ, đó cũng là tư tưởng, ý chí của Trung trên con đường vươn tới đỉnh cao âm nhạc. Kết thúc buổi thi, bạn bè Trung góp ý, Trung mất lịch sự quá, ai lại trả lời bài thi cứ nhìn thẳng vào mặt các vị giám khảo; không sợ thầy giáo đánh trượt à? Trung bảo, trượt thì trượt. Bố tôi dạy, khi đối thoại phải nhìn thẳng vào mắt người đối thoại với mình, dù họ là ai! Cứ cúi gằm mặt xuống là hèn, là nhục.  

Trên Tạp chí âm nhạc của Ba Lan đã viết về  Trung thế này: “Nguyễn Việt Trung đến từ Việt Nam là một tài năng Piano trẻ, đã nhạc cảm bằng một tâm hồn trong sáng và tươi mới”.  “Tâm hồn trong sáng và tươi mới” ấy cũng chính là tâm hồn người Việt Nam - Trung đã biểu diễn tác phẩm của các thiên tài âm nhạc bằng trí tuệ, tài năng và tâm hồn Việt Nam!

MỚI - NÓNG