“Cậu bé vàng piano” Nguyễn Việt Trung Muốn vượt Lang Lang

“Cậu bé vàng piano” Nguyễn Việt Trung Muốn vượt Lang Lang
TP - Nghệ sĩ piano đẳng cấp quốc tế vẫn giữ nguyên những nét hồn nhiên tuổi 16. Phóng viên trò chuyện với Nguyễn Việt Trung nhân dịp về nước biểu diễn theo lời mời của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

> Nguyễn Việt Trung: Em muốn là Đặng Thái Sơn thứ hai

“Cậu bé vàng piano” có hai đêm nhạc ấn tượng tại Nhà hát Lớn Hà Nội đầu tháng 12-2012 trong chương trình Pastoral Symphony
“Cậu bé vàng piano” có hai đêm nhạc ấn tượng tại Nhà hát Lớn Hà Nội đầu tháng 12-2012 trong chương trình Pastoral Symphony .

Bố Trung làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan đã mang cả nhà theo. Ngoài học giáo sư Ba Lan, Nguyễn Việt Trung cũng học thêm với NSND Đặng Thái Sơn ở Ba Lan và Canada. Trung gọi thầy là “ngọn núi” để cậu với tới.

Trung đang làm gì để chinh phục ngọn núi đó?

Em nghĩ chỉ có tập nhiều hơn, chăm hơn nữa. Nói thật là em chưa chăm lắm. Thỉnh thoảng vẫn dậy muộn.

Mẹ là người quản lý cho Trung luôn?

Khi nào diễn hoặc đi đâu em cũng hỏi mẹ có đồng ý không. Em hay chia sẻ với mẹ về chuyện học, chuyện tình yêu.

Đến lúc nào thì Trung có thể đuổi kịp hoặc vượt Đặng Thái Sơn nhỉ?

Em nghĩ muộn nhất 10 năm nữa phải bằng chú. Em khi nào cũng nghĩ là để vượt được chú Sơn thì phải hy sinh mọi thứ. Không đá bóng, không gì cả, chỉ suốt ngày tập đàn.

Em còn muốn vượt cả Lang Lang nữa!

Nếu được chọn thì em thích được gọi là nghệ sĩ hay ngôi sao hơn?

Nghệ sĩ hơn, vì cái nhạc này em nghĩ nó phải sang. Ngôi sao thì thiên về nhạc pop hơn. Ngay cả Lang Lang (Trung Quốc) người ta cũng không gọi là ngôi sao mặc dù nghệ sĩ đó toàn diễn nhạc cổ điển thành pop. Em cũng muốn nhạc cổ điển trở nên phổ cập giống nhạc pop để các thanh niên đều đi nghe hết, ai cũng biết đến em.

Để trở thành nghệ sĩ tầm cỡ em có dám hy sinh tất cả?

Nếu hy sinh tất cả mà được như chú Sơn thì em cũng hy sinh hết đấy.

Nghĩa là cũng không lấy vợ?

Aaa! Lấy vợ thì… Lúc ngủ em cũng nghĩ là nếu mình trở thành nổi tiếng quá lại không lấy vợ được thì chết! Chuyện lấy vợ vẫn là đầu tiên. Sau mới là sự nghiệp.

Điều chú Sơn dạy em cảm thấy tâm đắc nhất?

Chú Sơn dạy em khi nào tập cũng phải đặt câu hỏi vì sao mình phải đánh đoạn này như thế, thì mới hiểu bài được. Em nghĩ điều đấy quý nhất. Chú gợi ý cho em thỉnh thoảng nên đi bảo tàng để cái đầu phát triển giúp ích cho chơi đàn. Khi em ở Canada em có vào nhà chú. Em thấy cái gì chú cũng sắp xếp rất gọn. Cái đấy em rất yếu. Đấy cũng là tấm gương.

Một cách tình cờ em đã đến với nhạc cổ điển và say mê nó. Em muốn nói gì để các bạn trẻ đến gần hơn với dòng nhạc này?

Em muốn đánh đàn hấp dẫn để nếu họ đi nghe em đánh thì họ sẽ thích. Hôm trước em đi đến Học viện Âm nhạc Quốc gia học thêm thì có một cậu bé chắc cũng được bố mẹ cho đi học nhưng không thích, khóc lóc, sợ hãi. Ngày xưa em đi học cũng khóc không phải vì không thích mà sợ bà giáo mắng.

Sống ở nước ngoài quá nhiều, em còn bao nhiêu phần là người Việt?

Ở Ba Lan em cảm thấy mình như là người Việt, nhưng về Việt Nam lại cảm thấy là người Ba Lan. Em rất thích ở Việt Nam để thay đổi không khí, ra đường nhiều xe máy, ồn ào, đông đúc. Người Ba Lan rất là cổ điển, khi nào cần nói mới nói. Ở Hà Nội, em vẫy taxi thì anh lái xe bảo em giống người Hàn Quốc. Vì em vẫy cả 2 tay.

Giải thưởng nào khiến em hài lòng nhất và lần thi nào khiến em căng thẳng nhất?

Lúc đoạt giải Nhất em còn bé tí thì em vui nhất. Còn bây giờ em có mục đích rất quan trọng. Em với ba có một hợp đồng, nếu em đi thi mà đoạt giải Nhất thì ba em sẽ bỏ thuốc lá. Lần thi ở Tây Ban Nha em đoạt giải Nhì. Mặc dù cuộc thi không có giải Nhất nhưng trong bằng khen của em vẫn chưa có “một que”, nên bố em vẫn chưa bỏ thuốc.

Tháng 8 năm ngoái em có cuộc thi ở Đức. Đó là cuộc thi nổi tiếng nhất cho thí sinh đến 16 tuổi. Lúc đấy em đánh rất tốt, bà giáo bảo ít nhất cũng vào top 5. Em với cả nhà đi chơi vui vì thấy bà giáo nói thế yên tâm. Đến lúc xem kết quả không thấy tên mình đâu, em với cả nhà buồn.

Nhưng cũng từ cuộc thi đấy em được GS Andrea Bonatta (thành viên BGK) phát hiện và mời biểu diễn tại Ý trong chương trình Junior Academy Eppan tháng 3 tới.

Nguyễn Việt Trung đã có trong tay 10 giải thưởng âm nhạc trong đó phải kể đến giải Nhất cuộc thi piano toàn Ba Lan Emmy Alberg lần thứ hai năm 2005 giành cho các nghệ sĩ trẻ, giải Nhì giành cho những nghệ sĩ trẻ thể hiện tác phẩm Chopin hay nhất trong cuộc thi piano quốc tế Rotaract- Rotary năm 2012 tại Tây Ban Nha. Trung được ưu ái gọi là “Đặng Thái Sơn thứ hai”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.