Điện ảnh Việt Nam đang tập cách tiêu tiền đúng chỗ

Điện ảnh Việt Nam đang tập cách tiêu tiền đúng chỗ
Nếu trước kia tôi thường nói điện ảnh Việt Nam thiếu tiền lắm, thiếu người tài lắm, thì hôm nay tôi sẽ nói có tiền chút chút rồi, có người tài kha khá rồi, chỉ đang tập cách xài tiền cho... đúng chỗ. Đạo diễn Việt Linh bày tỏ.

Cuối năm nay, đạo diễn Việt Linh sẽ mang 4 phim "Gánh xiếc rong", "Dấu ấn của quỷ", "Chung cư", "Mê Thảo - thời vang bóng" tới giới theo tại Brisbane, Australia.

Điện ảnh Việt Nam đang tập cách tiêu tiền đúng chỗ ảnh 1
Đạo diễn Việt Linh

Chị nhận lời mời của bảo tàng Queensland Art Gallery trong chương trình The Asia - Pacific Triennal of Contemporary Art (Tuyển chọn nghệ thuật đương đại châu Á - Thái Bình Dương).

Đạo diện Việt Linh hiện đang ở Pháp, trả lời phỏng vấn qua email:

Vì sao họ chọn chị?

Tôi cũng hỏi và được bà Kathryn Weir, phụ trách Australian Cinemathèque, người đầu tiên liên lạc với tôi trả lời là họ tham khảo nhiều thông tin điện ảnh, cá nhân bà Kathryn đã có dịp xem của tôi hai phim Gánh xiếc rongMê Thảo - thời vang bóng .

Xin chị cho biết thêm về tổ chức này?

Như họ tự giới thiệu trên website: www.qag.qld.gov.au, chương trình Tam niên nghệ thuật cận đại châu Á-Thái Bình Dương (APT) khởi xướng năm 1993 nhằm nêu bật nghệ thuật hiện đại đặc sắc của vùng.

Đó là đề án quan trọng do bảo tàng sáng kiến và được quốc tế thừa nhận trong lĩnh vực nghệ thuật cận đại; với cách tiếp cận mới là giới thiệu sâu hơn một số nghệ sĩ.

APT 2002 đã mời 16 nghệ sĩ trình bày phần lớn tác phẩm đủ mọi thể loại, cho phép công chúng hiểu sâu hơn thực tiễn sáng tác của họ. APT 2006 sẽ mời khoảng 30 nghệ sĩ của khu vực.

Nếu có một đồng nghiệp nước ngoài gặp chị ở đây và hỏi về điện ảnh Việt Nam, chị sẽ nói gì?

Nếu trước kia để trả lời những câu hỏi tương tự tôi thường nói điện ảnh Việt Nam thiếu tiền lắm, thiếu người tài lắm, thì hôm nay tôi sẽ nói điện ảnh Việt Nam có tiền chút chút rồi, có người tài kha khá rồi, chỉ đang tập cách xài tiền cho... đúng chỗ.

Về phía ban tổ chức, họ cũng đã mời nhà phê bình điện ảnh Anh, bà Carrie Tarr - người nghiên cứu khá nhiều phim Việt Nam, trong đó có các phim của tôi - giới thiệu điện ảnh Việt Nam trong các tài liệu tuyên truyền chính thức.

Sao điện ảnh Việt Nam lại tập tiêu tiền... đúng chỗ?

Cũng giông giống như các nhà giàu mới phất: Hưng phấn mà bối rối. Không biết cái đẹp, cái giá trị thật sự của mình ở đâu.

Trong vô vàn lý do để phim Việt chưa đến được nước ngoài, có một lý do mà cá nhân tôi nghĩ là do nhân lực chưa chuyên nghiệp. Cụ thể hơn, chúng ta chưa cập nhật được phương pháp làm phim đương đại của thế giới nên cứ ta thán kinh phí ít, cơ chế đóng. Trong lúc thế giới có dòng phim Iran chứng minh kinh phí ít vẫn làm được phim hay và cơ chế đóng vẫn sinh ra tuyệt tác... Chị có thể lý giải với tư cách người đã "đi nhiều ngày đàng"?

Điện ảnh Việt Nam đã chuyên nghiệp đấy thôi: Phim nhựa máy quay tốt, âm thanh nổi, kinh phí trên dưới chục tỉ; phim truyền hình áp dụng công nghệ Hàn, Tây đủ cả.

Thế nhưng chất lượng phim không đổi, đôi lúc tệ hơn. Như vậy lý do phim Việt Nam chưa ra ngoài nước, hoặc ra quá khép nép nằm ở chỗ khác: những vấn đề phim đề cập và nghệ thuật biểu hiện không làm thế giới quan tâm.

Và việc tiếp thị phim với thị trường thế giới của ta cũng còn yếu?

Không hẳn yếu mà là quan niệm.

Tôi cho rằng, trừ mong muốn bán được phim, hoàn thành cho xong một số “sứ mệnh” bề nổi nào đó, những người làm điện ảnh Việt Nam, lãnh đạo điện ảnh Việt Nam hình như chưa bức thiết thương hiệu, chưa đau đáu bộ mặt điện ảnh đất nước.

Đó là sự khác xa, căn bản với điện ảnh Iran.

Chị đánh giá thế nào về dân trí điện ảnh Việt Nam hiện nay? Có lạc quan không?

Có và không. Có vì các bạn trẻ ngày nay rất yêu phim, chịu tìm kiếm và chịu đến rạp thưởng thức. Như vậy đã tốt, sau sẽ định hướng dần. Không, vì những người khác không có nhu cầu, thói quen đến rạp...

Ở các nước như Pháp, Nhật... chẳng hạn, đến rạp xem phim là mọi giới, mọi lứa tuổi. Dĩ nhiên họ xem những gì phù hợp, nhưng xem và háo hức được xem.

Các nước này đã phải mất rất nhiều năm, thậm chí nhiều thế hệ để tạo cho người dân sự háo hức đó.

Chuyến đi Úc sắp tới và cả những LHP nước ngoài mà chị đã tham dự, chị rút ra điều gì cho mình và cho đồng nghiệp trong nước?

Theo tôi, mỗi chuyến đi như thế này ví như một tiếng chuông nhỏ về điện ảnh Việt Nam: nó vang lên cho thiên hạ nghe thấy một phần, phần quan trọng khác là để tự đánh thức; đánh thức nôn nao học hỏi, nôn nao với sĩ diện dân tộc.

Theo Sài Gòn Tiếp thị

MỚI - NÓNG