Cây viết quan trọng của văn học Hàn Quốc hiện đại
Chiều tối 10/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố giải Nobel Văn học 2024 thuộc về nữ nhà văn người Hàn Quốc Han Kang. Với chiến thắng này, Han Kang trở thành nữ tác giả thứ 18 đoạt giải trong lịch sử Nobel văn chương.
Ban tổ chức khẳng định nhà văn Han Kang có những tác phẩm văn xuôi "giàu chất thơ mãnh liệt khi đối diện với những tổn thương trong quá khứ và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người."
Han Kang là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất Hàn Quốc. |
Chủ tịch Ủy ban Nobel Văn học - Anders Olsson - nhận định nhà văn Han Kang có nhận thức độc đáo về sự kết nối giữa cơ thể và tâm hồn, giữa sự sống và cái chết. “Phong cách viết thể nghiệm, giàu chất thơ đưa bà trở thành người cách tân cho nền văn xuôi đương đại", ông Anders Olsson đánh giá.
Bà Han Kang sinh năm 1970 ở Gwangju (Hàn Quốc), là “con nhà nòi” khi có cha là tiểu thuyết gia nổi tiếng Han Seung Won. Bà sớm bộc lộ năng khiếu văn chương và có niềm đam mê với âm nhạc.
Khi Han Kang còn nhỏ, người cha luôn chất đầy sách ở mọi ngóc ngách trong nhà. Dù phải chuyển chỗ ở nhiều lần, bà cảm thấy an toàn khi có sách bên cạnh.
Nhà văn Han Kang có những tác phẩm văn xuôi giàu chất thơ mãnh liệt. |
Sau khi tốt nghiệp khoa Văn Đại học Yonsei, Han Kang đăng đàn năm 1993 trên báo Văn học và Xã hội với tư cách một nhà thơ. Năm 1994, bà ra mắt tập truyện ngắn Mỏ neo đỏ, giành giải sáng tác cho tác giả trẻ của báo Seoul Shinmun, đánh dấu mở đầu sự nghiệp văn chương chuyên nghiệp.
Suốt ba mươi năm gắn bó với văn chương, Han Kang là chủ nhân của ba tập truyện ngắn, gần 10 tiểu thuyết và 1 tập thơ. Bà được tôn vinh một trong những nhà văn quan trọng nhất của văn học Hàn Quốc hiện đại. Năm 2016, Han Kang giành giải Booker quốc tế nhờ tác phẩm The Vegetarian (Người ăn chay). Năm 2018, bà tiếp tục lọt vào danh sách đề cử của giải thưởng này với tiểu thuyết giàu tính tự thuật Trắng.
Han Kang cũng nổi tiếng với một số tác phẩm như Love of Yeosu (tạm dịch: Tình yêu Yeosu), tiểu thuyết Your cold hands (tạm dịch: Tay người thì lạnh)...
Nhà văn Han Kang từng chia sẻ bà thích sự riêng tư và sớm trở lại cuộc sống bình thường sau khi nhận giải thưởng văn học danh giá năm 2016. Bà Han Kang là giáo sư chuyên ngành viết sáng tạo tại Học viện Nghệ thuật Seoul.
Lối viết sắc lạnh, ám ảnh
Các tác phẩm của Han Kang thường đi sâu vào những khía cạnh gai góc của con người với lối viết sắc lạnh, ám ảnh. Trong một cuộc phỏng vấn với New Yorker vào tháng 1/2023, nữ nhà văn bộc bạch: "Khi còn là nhà thơ, tôi đã nuôi dưỡng những cảm xúc khó tả với ngôn ngữ, một công cụ văn chương khó kiểm soát và có khả năng mang lại cảm giác đau đớn cho con người".
Han Kang cũng là cây viết quen thuộc với độc giả Việt Nam. Cuốn Người ăn chay của bà được in ở Việt Nam lần đầu năm 2011.
Cuốn Người ăn chay giúp văn chương của Han Kang vượt ra khỏi biên giới Hàn Quốc. |
Tác phẩm gồm ba phần, kể câu chuyện của Yeong-hye là một người vợ tần tảo. Sau một giấc mơ, cô quyết định ăn chay. Quyết định bất ngờ này đã gây ra một số xung đột trong cuộc sống gia đình Yeong-hye và được xem như một cuộc nổi loạn của cô. Nữ chính ngày càng kỳ lạ và đáng sợ.
Nhận xét về cuốn sách, tờ The Guardian viết: “Đó là sự giằng xé nội tâm muốn thoát ra khỏi những dây trói ngày thường của một phụ nữ hiện đại. Tác phẩm còn mang đến sự gợi cảm, khiêu khích và bạo lực, cùng với hình ảnh mạnh mẽ, màu sắc đáng ngạc nhiên và những câu hỏi đáng suy ngẫm”.
Han Kang giải mã những vùng tăm tối nhất trong con người họ, bắt đầu từ những khao khát bình thường hay đặc biệt, dần dần trở thành những chấn thương không thể nào chữa lành. Dưới cây viết của bà, các nhân vật đi tìm những ảo ảnh, hình bóng chập chờn cho quên đi nỗi đau, để rồi cuối cùng biến mất theo chúng.
Tác phẩm Trắng được xuất bản ở Việt Nam năm 2021. |
Sau thành công của tiểu thuyết Người ăn chay, năm 2018, nhà văn Han Kang tiếp tục gây ấn tượng với tác phẩm The white book (Quyển sách trắng). Năm 2021, tác phẩm được xuất bản tại Việt Nam với tựa đề Trắng.
Đó là tác phẩm “giàu tính tự thuật”, phản ánh thế giới ngập tràn sắc trắng trong nỗi ám ảnh về sự sống mong manh, vô thường.