Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội

TPO - Dự án trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội lần đầu được thông qua năm 1994. Kiến trúc sư, GS.TS Hoàng Đạo Kính - người chủ trì hội đồng trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội 30 năm trước - nhận Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ông tiết lộ quá trình trùng tu công trình kiến trúc gắn liền với tên tuổi Thủ đô Hà Nội.

Năm 1901, Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công xây dựng trên khu đất vốn là vùng đầm lầy của hai làng thuộc tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương (nay là khu vực Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Công việc san lấp mặt bằng diễn ra rất vất vả. Hàng ngày có 300 công nhân làm việc, 35.000 cọc tre được đóng với khối bê tông dày 90 cm. Công trình phải sử dụng hơn 12.000 m3 vật liệu, gần 600 tấn gang thép.

Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội ảnh 1
Nhà hát Lớn Hà Nội là một trong những điểm đến nổi bật của Thủ đô Hà Nội.

Khi khánh thành, Nhà hát Lớn bề thế với những bậc thang trải dài phía trước, cửa trông ra quảng trường Cách mạng Tháng 8 ngày nay (lúc ấy có tên quảng trường Nhà hát). Thời điểm đó, kinh phí xây dựng nhà hát được duyệt tới 2 triệu Franc Pháp.

Nhà hát Lớn Hà Nội gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trong Cách mạng Tháng 8 và những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh (17/8/1945), Đoàn quân giải phóng Việt Bắc về Hà Nội ra mắt (29/8/1945), ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân vào Nhà hát lớn Hà Nội (2/9/1946), Quốc hội họp thông qua Hiến pháp 1946...

Nhà hát Lớn là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển như opera, nhạc thính phòng, kịch nói... Khán giả tới đây chủ yếu là lớp quan lại thượng lưu người Pháp và người Việt giàu có.

Qua hơn 80 năm sử dụng, nhà hát bị xuống cấp, lạc hậu, nên năm 1994, công trình được Chính phủ cho trùng tu. Cuộc trùng tu kéo dài từ năm 1995-1997.

Kiến trúc sư, GS.TS Hoàng Đạo Kính chủ trì hội đồng trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội thời điểm đó nói rằng luôn nhất quán quan điểm bảo tồn di tích và di sản "phải giữ gìn được tính nguyên gốc".

Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội ảnh 2
Công trình này được trải qua cuộc trùng tu lớn nhất vào những năm 1995-1997.

GS.TS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh tu bổ, nâng cấp phải khắc phục được tình trạng xuống cấp và khẳng định giá trị hiện hữu của Nhà hát Lớn Hà Nội. Phải làm cho di tích khỏe hơn, đẹp hơn và giữ được tối đa những giá trị nguyên gốc.

"Chúng tôi chủ trương giữ lại tối đa những dấu ấn thuộc về quá khứ, từ cách lợp mái bằng ngói Ardoise đến việc lắp các thiết bị hiện đại. Chúng ta vào Nhà hát Lớn Hà Nội hôm nay, trong cảm quan sẽ không thấy có quá nhiều sự thay đổi. Nhưng thực chất, công việc trùng tu đã đặt vào nó hàng trăm tấn thiết bị hiện đại vừa đáp ứng được yêu cầu tu bổ, vừa nâng cấp được chức năng của công trình này”, GS.TS Hoàng Đạo Kính nhớ lại.

Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội ảnh 3Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội ảnh 4Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội ảnh 5Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội ảnh 6
Sau khi hoàn thành trùng tu, những giá trị cơ bản về kiến trúc và mỹ thuật trang trí của nhà hát vẫn được giữ nguyên vẹn.

Lúc bắt tay vào công việc, ông đã sang tận nước Pháp để tìm tư liệu. “Khi bắt đầu chủ trì việc trùng tu Nhà hát Lớn, tôi có gặp một số người nước ngoài, người ta nói công trình này được ghi vào danh sách 20 nhà hát Opera đẹp của thế giới. Và đúng thật là nó đẹp, sang theo kiểu Pháp, nhìn mãi không chán lại rất chừng mực", KTS Hoàng Đạo Kính từng chia sẻ.

Sau này, ông đã đưa KTS Việt kiều Pháp Hồ Thiệu Trị - người theo ông là tài năng, tinh tế, hiểu kiến trúc Pháp - tham gia vào dự án này. Sau khi trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn giữ được vẻ đẹp ban đầu của nó từ bên ngoài tới bên trong.

Những giá trị cơ bản về kiến trúc và mỹ thuật trang trí của người Pháp năm 1911 ở Nhà Hát Lớn vẫn được giữ nguyên vẹn. Gần 400 trăm tấn thiết bị điều hòa, âm thanh, ánh sáng, thiết bị vệ sinh được lồng ghép khéo léo đến nỗi không gian vẫn được giữ như cũ.

Khi Tổng thống Pháp Jacques Chirac đến Hà Nội nhân Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ năm 1997, vừa bước chân vào Nhà Hát Lớn, ông liền quay sang bắt tay Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông Tin Nguyễn Khoa Điềm và nói: "Xin chúc mừng ông, các ông đã có một cuộc trùng tu và bảo tồn Nhà hát Lớn rất thành công".

GS.TS Hoàng Đạo Kính còn là người đứng sau hàng loạt dự án tôn tạo, tu bổ các di tích văn hóa, lịch sử ở Hà Nội như chùa Tây Phương, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Với những đóng góp không ngừng nghỉ, ông đã được trao Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

MỚI - NÓNG