Vì sao Gen Z dần 'hờ hững' với ứng dụng hẹn hò?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các ứng dụng (app) hẹn hò từng được nhiều bạn trẻ ưa thích, nhưng giờ đây Gen Z đang dần từ bỏ các ứng dụng hẹn hò trực tuyến để tìm kiếm những mối quan hệ đời thực.

Vỡ mộng

Các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Bumble, Hinge... từ lâu đã thu hút những người độc thân. Tuy nhiên, hiện theo khảo sát của AppsFlyer, 65% ứng dụng hẹn hò bị xóa chỉ trong vòng một tháng; 90% người dùng đã gỡ cài đặt ứng dụng chỉ sau một tuần sử dụng.

Bạn Đ.T.H - 22 tuổi ở Hà Nội, cho biết đã xóa ứng dụng hẹn hò Tinder vì rất khó tìm kiếm mối tình chân thật. “Ứng dụng cho phép mình trò chuyện với nhiều người một lúc. Nếu sau vài ngày trò chuyện thấy không hợp, mình sẽ hủy tương tác và quẹt những người khác. Những người mình đã nói chuyện không ai có cùng sở thích, quan điểm hay phong cách giống mình. Đúng là rất khó để mình tìm kiếm một người phù hợp và một mối tình chân thành”, H. chia sẻ.

Thực tế, các ứng dụng hẹn hò thịnh hành giúp giới trẻ có cơ hội mở rộng các mối quan hệ và có thể nói chuyện với nhiều đối tượng một lúc. Tuy nhiên, điều này cũng khiến họ không thể tập trung, tìm hiểu kỹ càng và dành toàn tâm toàn ý cho một người, tạo ra tâm lý, suy nghĩ "đứng núi này, trông núi nọ"; dù đã tìm kiếm được người phù hợp nhưng vẫn tiếp tục quẹt để tìm được người tốt hơn.

Ngoài ra, Gen Z có xu hướng đào thải những ứng dụng hẹn hò do bị từ chối hoặc ngó lơ (ghosting).

Nói về trải nghiệm sử dụng app hẹn hò của mình, cô bạn N.N.A (21 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Mình từng nói chuyện với một bạn nam rất hợp gu, có nhiều sở thích, điểm chung. Cả hai đã nói chuyện với nhau được một thời gian, sau đó cũng gặp gỡ nhau 1, 2 lần. Tuy nhiên, vài ngày sau, bạn nam đó biến mất mà không rõ lý do, nhắn tin cũng không trả lời nữa. Sau sự việc đó, mình không còn hứng thú với app hẹn hò và đã xóa ứng dụng để tránh khỏi những tổn thương tương tự”.

Vì sao Gen Z dần 'hờ hững' với ứng dụng hẹn hò? ảnh 1

Bạn N.N.A (21 tuổi, Hà Nội) đã xóa ứng dụng để tránh khỏi những tổn thương không đáng có.

Hiện nay, ghosting là một thuật ngữ hẹn hò được giới trẻ sử dụng khá phổ biến, để mô tả hành động đột ngột chấm dứt mọi liên lạc và trò chuyện với người khác mà không có bất kỳ lời giải thích nào.

Người sử dụng ứng dụng hẹn hò thường đối mặt với không ít tình huống, như: cảm thấy khó mở lời để chấm dứt cuộc trò chuyện, việc nói ra sẽ khiến chàng trai/cô gái xa lạ nào đó cảm thấy khó xử, tổn thương… Vì vậy, họ chọn cách im lặng để cho đối phương tự hiểu vấn đề.

Với T.M.A (20 tuổi, sinh viên Đại học Hà Nội), không phải ai cũng tìm kiếm một mối quan hệ nghiêm túc qua ứng dụng hẹn hò, nên sẽ dễ thất vọng nếu chúng ta xem đó là nơi để gặp gỡ “nửa kia” đích thực. “Mình từng rất hợp với một bạn nam có ngoại hình, có học thức. Tuy nhiên, khi chỉ nói chuyện với nhau chưa được bao lâu, bạn đó đã hẹn gặp mình tại nhà riêng, dù đó là lần hẹn gặp đầu tiên. Sau khi liên tục bị mình từ chối, bạn đó đã cho mình vào dĩ vãng”, M.A nói.

Chia sẻ về nguyên nhân nhiều bạn trẻ bỏ sử dụng app hẹn hò, TS. Lê Minh (Giảng viên Khoa Tâm lý học - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) cho biết, khác với tất cả các hoạt động kết bạn thông thường, việc hẹn hò đến một lúc nào đó sẽ cần phải được gặp mặt trực tiếp, tiếp xúc bên ngoài đời thực.

Thực tế, nhiều người trẻ "vỡ mộng" khi gặp người bạn mình hẹn hò qua mạng, vì hình thức không như mong đợi, con người bên ngoài và ảnh trên mạng xã hội khác nhau quá nhiều. Về bản chất, việc hẹn hò của con người là gặp gỡ trực tiếp, nhìn thấy nhau, tìm hiểu cử chỉ, ánh mắt, nói chuyện trực tiếp với nhau, như vậy sẽ tìm hiểu đối phương dễ hơn. Bởi thế, hẹn hò trực tuyến chỉ là hình thức kết nối ban đầu, chứ không thể thay thế cho hoạt động gặp mặt trực tiếp.

Một trong những lý do chính khiến gen Z mất niềm tin vào các ứng dụng hẹn hò là sự khác biệt giữa thế giới ảo và thực. Có những người tạo profile hoàn hảo nhưng ngoài đời lại hoàn toàn đối lập khiến đối phương cảm thấy bị lừa dối.

Vì sao Gen Z dần 'hờ hững' với ứng dụng hẹn hò? ảnh 2Vì sao Gen Z dần 'hờ hững' với ứng dụng hẹn hò? ảnh 3
Nhiều Gen Z từ bỏ chơi app hẹn hò.

Nên dùng app hẹn hò như bước đầu của sự kết nối

Thay vì dành thời gian sử dụng app hẹn hò, nhiều Gen Z quyết định tập trung rèn luyện và phát triển bản thân. Họ không từ bỏ việc tìm kiếm các mối quan hệ mà chọn cách tiếp cận khác.

Gen Z tìm kiếm bạn đời ở ngay trong vòng tròn xã hội của mình như ở trường học, nơi làm việc, qua các cuộc gặp gỡ tình cờ hoặc đi cùng bạn bè. Họ chủ động tham gia vào các câu lạc bộ, các sự kiện hoạt động xã hội, các hội nhóm để gặp gỡ người mới…

TS Lê Minh cho rằng: “Không có quá nhiều hạn chế khi Gen Z từ bỏ app hẹn hò, việc sử dụng app có thể gia tăng khả năng gặp gỡ, nhanh chóng tiếp xúc được với bạn mới, nhưng việc gặp gỡ thực tế bao giờ cũng đỡ mất nhiều thời gian tìm hiểu hơn. Vì vậy, việc kết bạn, hẹn hò trực tiếp chắc chắn sẽ tạo ra những trải nghiệm tình yêu tích cực hơn".

Việc hẹn hò với một người bạn, đồng nghiệp, ai đó trong nhóm bạn quen hay được bạn bè giới thiệu khi đã biết rõ thông tin cá nhân, cuộc sống của nhau có thể làm giảm cảm giác lo lắng, điều Gen Z phải đối mặt trong thế giới ảo của ứng dụng hẹn hò.

Dù không sử dụng app hẹn hò, Gen Z vẫn sử dụng công nghệ để kết nối theo nhiều cách khác nhau. Mạng xã hội trở thành nơi gặp gỡ đối tượng tiềm năng. Những nền tảng cung cấp đầy đủ hình ảnh, video, thông tin như Facebook, Instagram hay TikTok cho phép bạn biết đối phương là ai theo những cách mà các ứng dụng hẹn hò không làm được.

Theo chuyên gia, nếu sử dụng app hẹn hò, hãy coi đó như bước đầu của sự kết nối, sự hỗ trợ cho hoạt động quan hệ xã hội. Còn một mối quan hệ hẹn hò tiến triển đến đâu, được hình thành như thế nào, bạn trẻ cần phải gặp mặt trực tiếp để tìm hiểu nghề nghiệp, tính cách, sở thích, công việc, hoàn cảnh gia đình của đối phương.

Việc đó tạo ra nền tảng nhận thức vững chắc là cầu nối tạo ra những tình cảm bền vững sau này. Vì sự trải nghiệm hẹn hò của con người là để tính chuyện “trăm năm” chứ không phải đơn giản như việc có thêm một mối quan hệ bạn bè mới.

MỚI - NÓNG