Mô hình sinh kế tôm-lúa quản lý cộng đồng thích ứng biến đổi khí hậu ở Kiên Giang

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nông dân huyện An Minh, An Biên (Kiên Giang) đã chuyển đổi mô hình sản xuất, biết tận dụng những điều kiện bất lợi thành cơ hội theo hướng thuận thiên với biến đổi khí hậu để phát triển nuôi tôm – lúa quản lý cộng đồng cho thu nhập ổn định.

Kiên Giang là địa phương có diện tích canh tác tôm - lúa lớn nhất vùng ĐBSCL. Hiện mô hình canh tác tôm - lúa rất thích hợp với vùng đất nhiễm mặn theo mùa và ổn định hơn về mặt kinh tế và sinh thái so với mô hình chuyên lúa.

Đây cũng được xác định là mô hình đặc trưng và quan trọng trong cơ cấu nuôi tôm địa phương, tỉnh Kiên Giang đã và đang khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mô hình này.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ từ Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (IMD-CRSL) - Tiểu dự án 9 (ICRSL Kiên Giang), Kiên Giang đã triển khai mô hình sản xuất tôm sú- lúa quản lý cộng đồng tại xã Vân Khánh Tây (huyện An Minh) và xã Tây Yên A (huyện An Biên) với diện tích trên 116 ha.

Mô hình sinh kế tôm-lúa quản lý cộng đồng thích ứng biến đổi khí hậu ở Kiên Giang ảnh 1
Mô hình tôm – lúa quản lý cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân Kiên Giang

Theo đánh giá chung của mô hình nuôi tôm – lúa triển khai ở huyện An Minh và An Biên, sau khi triển khai dự án, năng suất tôm đã tăng từ 250 kg/ha lên 357 kg/ha (tăng 107 kg/ha, tương ứng mức tăng 38%). Năng suất lúa bình quân từ 4,29 tấn/ha lên 4,62 tấn/ha (tăng 330 kg/ha, tương ứng 7,6%). Lợi nhuận khi thực hiện mô hình cũng tăng từ 40,2 triệu đồng/ha, lên 55,7 triệu đồng/ha (tăng 15,4 triệu đồng/ha, tương ứng 38%).

Bên cạnh đó, khi triển khai dự án, thu nhập người dân tăng lên đáng kể do năng suất tăng và chất lượng tốt hơn. Người dân được tiếp cận khoa học, kỹ thuật, các mô hình trình diễn từ dự án và lồng ghép các chương trình sinh kế khác trong vùng nhằm để phát triển thêm diện tích chuyển đổi trong vùng dự án, vùng giáp ranh lận cận dự án có thể tự chuyển đổi áp dụng thông qua chia sẻ giữa các hộ dân hoặc được đào tạo tập huấn từ dự án.

Tăng cường đầu tư cho ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của đất nước, tuy nhiên đang chịu tác động rất lớn do hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở… do biến đổi khí hậu gây ra. Điều này cũng khiến sinh kế của hàng triệu người dân nơi đây bị ảnh hưởng.

Để tăng nguồn lực cho ĐBSCL, vừa qua Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo về đề xuất dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long (WB11). Hội thảo do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp; bà Stefanie Stallmeister - Giám đốc Điều hành hoạt động của Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì, với sự tham dự của nhiều tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo các tỉnh của khu vực ĐBSCL.

Mô hình sinh kế tôm-lúa quản lý cộng đồng thích ứng biến đổi khí hậu ở Kiên Giang ảnh 2
Mô hình nuôi tôm – lúa quản lý cộng đồng theo hướng thuận thiên đang phát huy hiệu quả tại Kiên Giang

Theo tổng hợp đề xuất của Ban quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi (CPO Thuỷ lợi), Dự án WB 11 với mục tiêu tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại 9 tỉnh vùng ĐBSCL, gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang. Mới đây nhất, tỉnh An Giang cũng có nguyện vọng được tham gia dự án.

Dự án sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm giải quyết vấn đề, cải thiện, phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu đô thị hóa, công nghiệp hóa và du lịch, từ đó tạo ra công việc làm, thu nhập cao hơn cho người lao động.

Dự án WB 11 dự kiến có 3 hợp phần: Hợp phần 1 sẽ tăng cường thể chế và các hệ thống thông tin; Hợp phần 2 đi vào đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng; Hợp phần 3 là thúc đẩy đa dạng sinh kế và kinh tế nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu.

Về tiến độ triển khai Dự án WB 11, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ nỗ lực để tháng 12/2023 sẽ có những dự án thành phần đầu tiên trình lãnh đạo Ngân hàng Thế giới.

MỚI - NÓNG
Vua Charles và Hoàng tử William tại lễ chuyển giao. (Ảnh: Reuters)
Vua Charles phong hàm cho Hoàng tử William
TPO - Vua Charles của Anh vừa chuyển giao vị trí cấp cao trong quân đội cho con trai ông là Hoàng tử William tại buổi lễ diễn ra ngày 13/5. Đây là lần xuất hiện hiếm hoi của hai người từ khi Vua Charles trở lại thực hiện nghĩa vụ sau thời gian điều trị bệnh ung thư.