Điện Kremlin: Nga quyết theo đuổi mục tiêu ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nga bày tỏ quan điểm rằng cuộc xung đột Ukraine không nên trở thành một "cuộc xung đột đóng băng" và sẽ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu của mình ở Ukraine, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Điện Kremlin: Nga quyết theo đuổi mục tiêu ở Ukraine ảnh 1

Ông Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Khi được hỏi liệu Nga có chia sẻ quan điểm của phương Tây rằng không nên để cuộc xung đột ở Ukraine trở thành một cuộc xung đột đóng băng hay không, người phát ngôn trả lời: "Nga đồng tình".

"Nga chỉ xem xét phương án sau để chấm dứt hoạt động quân sự đặc biệt: phải đảm bảo lợi ích của mình và đạt được mục tiêu thông qua chiến dịch quân sự đặc biệt hoặc bằng các phương tiện sẵn có khác", ông Peskov nói

Người phát ngôn lưu ý rằng còn quá sớm để nói về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine, vì chưa có điều kiện tiên quyết nào phù hợp.

“Không chắc là chúng ta có thể nói về các cuộc đàm phán thực sự với bất kỳ đại diện nào của chính quyền Kiev hiện tại, bởi vì ở Ukraine, các cuộc đàm phán với Nga hiện đều bị cấm”, ông Peskov giải thích.

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố rằng bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào về tình hình ở Ukraine không thể nhằm mục đích “đóng băng” cuộc xung đột. “Nga phải rút quân,” ông nhấn mạnh bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 vào Chủ nhật.

Hôm 22/5, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng chỉ trích các kế hoạch tìm cách "đóng băng" cuộc xung đột ở Ukraine. Chính quyền Kiev nói nên bác bỏ các sáng kiến hòa bình mà trong đó đề xuất "đóng băng" xung đột.

Trong khi đó, hãng tin Politico ngày 18/5 cho biết các quan chức Mỹ đang chuẩn bị cho khả năng xung đột Nga - Ukraine trở thành một cuộc xung đột đóng băng kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, tương tự Hàn Quốc và Triều Tiên.

“Việc đình chiến kiểu bán đảo Triều Tiên chắc chắn là điều đã được thảo luận bởi các chuyên gia và nhà phân tích trong và ngoài chính phủ,” một nguồn tin nói với Politico. “Điều đó là hợp lý, bởi vì không bên nào cần phải công nhận bất kỳ đường biên giới mới nào, và điều duy nhất phải được đồng ý là ngừng bắn dọc theo một đường đã định.”

Lợi ích của một kịch bản như vậy đối với Mỹ là các quốc gia phương Tây sẽ tốn ít chi phí hơn để hỗ trợ Ukraine, ít thu hút sự chú ý của công chúng hơn và giảm áp lực hỗ trợ Kiev. Ngoài ra, nó sẽ cho phép Ukraine tiếp tục chuyển quân đội của mình sang các tiêu chuẩn của NATO, với hy vọng gia nhập liên minh quân sự.

Nga đã nhiều lần chỉ trích việc NATO mở rộng sang châu Âu và nỗ lực tăng cường sự hiện diện ở Ukraine.

Theo RT, Tass
MỚI - NÓNG