Trăm năm làng dệt khăn rằn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần cuối năm, làng dệt choàng (khăn rằn) Long Khánh A (Hồng Ngự, Đồng Tháp) ở cù lao sông Tiền trở nên nhộn nhịp với tiếng máy dệt xình xịch liên hồi. Làng nghề tồn tại hơn trăm năm, hoạt động quanh năm nhưng vào cuối năm đến tháng 4 âm lịch là mùa làm ăn nhộn nhịp nhất của người dân nơi đây.

Trăm năm làng nghề khăn rằn

Từ trung tâm thành phố Hồng Ngự, ngồi đò khoảng chục phút là đặt chân đến cù lao Long Khánh của huyện Hồng Ngự, rồi chạy dăm cây số là đến làng nghề dệt khăn rằn nổi tiếng miền Tây, ở ấp Long Tả, xã Long Khánh A.

Vừa đến đầu làng, tiếng máy hoạt động liên tục, khắp sân là những cuộn sợi đủ màu sắc phơi trong nắng. Máy dệt tay được thay thế bằng cơ giới hóa để tăng năng suất. Trước đây, người dân địa phương có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải Lãnh Mỹ A và cung cấp nguyên liệu cho các địa phương có nghề dệt ở An Giang. Sau đó, bà con học cách dệt khăn rằn cho đến nay.

Hiện nay, tại làng nghề dệt khăn rằn Long Khánh A có khoảng 50 hộ dân theo nghề với khoảng 200 máy dệt. Năm 2014, làng nghề được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn làm sản phẩm công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu. Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp tập trung quảng bá các sản phẩm, đồng thời từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân theo nghề dệt từng bước phát triển kinh tế. Ngoài ra, địa phương luôn tạo điều kiện để giúp bà con làng nghề tiếp cận nguồn vốn vay, nhằm phát triển làng nghề.

Để làm ra một cái khăn, phải trải qua cả chục công đoạn. Khi có chỉ, bà con nhuộm màu, thấm hồ rồi mang phơi nắng. Sau đó, thêm nhiều công đoạn khác, như: se chỉ, lên khuôn, dệt, thêu hoa văn. Hiện nay, bà con đã có máy dệt nên đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn giữ lại khung dệt thủ công để lưu lại kỷ niệm của làng nghề. Điển hình là nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Chiều (62 tuổi), bà ở xứ khác về đây làm dâu và nối nghiệp, đến nay đời thứ 3.

“Tôi yêu sen, ước mơ được chung sức chung lòng cùng quê hương nâng tầm giá trị cây sen. Hơn nữa, yêu giá trị và tinh hoa nghề dệt truyền thống của dân tộc. Điều đó trở thành động lực để tôi nghĩ về một tấm vải dệt được sử dụng chất liệu từ sợi sen Đồng Tháp và nỗ lực để suy nghĩ ấy trở thành hiện thực”.

Ngọc Như bộc bạch

Bà Chiều kể, thời hưng thịnh nhất là cuối thập niên 90, xứ Đồng Tháp Mười ruộng đồng rộng lớn, mỗi khi đến vụ lúa, bà con làm khăn không kịp bán cho nông dân. Vì do đặc thù nghề trồng lúa, mỗi nông dân khi ra đồng gặt lúa, vác lúa đều phải có một chiếc khăn choàng lên đầu. Do đó, đến vụ bà con làng nghề làm khăn bán đắt như tôm tươi. Thế nhưng, từ những năm 2000 về sau cơ giới hóa ngày càng phát triển, người dân ít tham gia vào thu hoạch lúa nên nghề dệt rơi vào cảnh tiêu điều. “Thời hoàng kim nhà nhà đều dệt, bất kể già trẻ, gái trai cùng tham gia, đèn sáng suốt đêm, cả xóm đông vui nhưng giờ họ rời quê đi làm ăn chỗ khác nhiều”, bà Chiều cho biết.

Vực dậy từ gợi ý của Bộ trưởng Nông nghiệp

Theo nghệ nhân Kim Chiều, tưởng chừng làng nghề sẽ mai một hẳn khi làm ra ít người mua. Năm 2014, trong lần anh Sáu Hoan (Lê Minh Hoan) nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (nay là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) đến thăm và ông gợi ý thay đổi mẫu mã, màu sắc và phải làm cái hộp đựng khăn. “Người ta mua để mang tặng người khác nhìn sang trọng hơn. Sau đó, dân làng nghề học cách thay đổi theo hướng dẫn của Bí thư Hoan”, bà Chiều kể. Cùng năm đó, có một doanh nghiệp ở TPHCM mang chiếc khăn mẫu đến gặp nghệ nhân Kim Chiều đặt làm hơn 4.000 cái phục vụ du lịch. Thấy chiếc khăn có màu sắc đẹp, mẫu mã mới nên bà Kim Chiều nhận lời. Tuy nhiên, bà và thợ mất cả tuần mới dệt xong. “Chiếc khăn mẫu mới có size nhỏ và dày hơn khăn làng nghề. Khi đó, tôi phải sửa khung rồi thử nhiều cách dệt nhưng chỉ bị đứt, dệt không được. Bước qua ngày thứ 4, tôi và thợ làm cũng không xong, lúc này, chị em ngồi khóc vì đơn hàng đến mấy nghìn cái. Tuy nhiên, sau đó, tôi hỏi thêm nhiều người và cố gắng mày mò mới thành công”, bà Chiều nhớ lại.

Trăm năm làng dệt khăn rằn ảnh 1

Nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Chiều (áo nâu) giới thiệu sản phẩm khăn rằn thêu sếu đầu đỏ

Sau lần “lột xác” đó, chiếc khăn rằn không còn ra đồng nữa mà được “chắp cánh” vào ngành du lịch và khắp nơi trong và ngoài nước. Ngoài ra, hàng tuần tàu du lịch chở khách nước ngoài chọn làng nghề là điểm tham quan. Nhờ đó, thợ dệt có thêm thu nhập từ việc bán sản phẩm do chính tay mình tạo ra và quảng bá cho khách nước ngoài.

Tuổi trẻ tiếp lửa nghề

Anh Phan Thanh An (36 tuổi), Giám đốc HTX dệt choàng Long Khánh là lớp truyền nhân thứ 3 của gia đình thợ dệt có tiếng trong vùng. Anh kể, đam mê nghề từ nhỏ, 8 tuổi đã đứng trên khung cửi. Trẻ con trong xóm chẳng ai dạy nghề mà thấy người lớn làm thì làm bắt chước làm theo. Lúc giai đoạn làng nghề khó khăn, anh đã rời quê lên Bình Dương làm thuê, sau mấy năm anh quyết định trở về quyết tâm vực dậy làng nghề. Ngoài việc sản xuất khăn truyền thống, anh còn may túi xách, cà vạt, nón, kể cả áo dài, bà ba... cho đa dạng sản phẩm để phục vụ du lịch.

Trăm năm làng dệt khăn rằn ảnh 2

Người dân làng nghề dệt phơi chỉ ngoài sân

Theo anh An, cái khó hiện nay là máy dệt cũ kỹ, lỗi thời. Ngoài ra, hầu hết người theo nghề đều chưa trải qua một lớp học bài bản nào. Mọi người truyền cho nhau theo kinh nghiệm, nhưng lớp trẻ hiện nay không mặn mà với nghề này. “Tôi mong muốn ngành chức năng tổ chức những lớp bồi dưỡng tay nghề cho người dân. Vì đây, không chỉ nâng cao tay nghề mà còn là một cách truyền lại nghề dệt bài bản cho thế hệ trẻ, nếu không muốn nó bị mai một về sau”, anh An bộc bạch.

Cùng lớp trẻ như anh An, còn có chị Huỳnh Ngọc Như (34 tuổi) là người con xứ cù lao này. Như tận dụng tài nguyên bản địa tại địa phương là cây sen, lấy tơ dệt lụa sau đó thêu hoa sen, sếu đầu đỏ hay chân dung người... tạo thành bức tranh vô cùng sống động, đặc biệt là nâng giá trị cây sen gấp trăm và góp phần phát triển làng nghề. Chị Như cho biết, sen ở Đồng Tháp mùa nào cũng có. Ngoài những đồng sen hoang dã còn có những cánh đồng sen bạt ngàn được vun vén bởi bàn tay của những người nông dân tảo tần gắn bó với loài cây này. Giá trị của cây sen ở Đồng Tháp được khai thác một cách đa dạng và phong phú, từ những sản phẩm truyền thống đến những sản phẩm được chế biến sâu.

Bản thân Ngọc Như là thợ dệt, mang trên vai trọng trách kế thừa và phát huy nghề truyền thống của gia đình từ bà ngoại với tất cả yêu thương, kỳ vọng của bà. Vì thế, cô gái đất Sen Hồng thấu hiểu và nhìn thấu được tâm tình của một trong những người phụ nữ nông thôn, khi đã theo chồng, phải tạm gác đam mê, khép lại tâm tư, nỗi niềm riêng để vun vén gia đình.

Sự khác biệt so với các dòng sản phẩm truyền thống mà trước đây cô sản xuất là hoàn toàn thủ công, ưu tiên khai thác giá trị mộc và chất của nguyên liệu. “Mỗi sản phẩm là kết quả từ sự tương tác, giữa khách hàng và nhà sản xuất trên nền sản phẩm mẫu, đội ngũ kỹ thuật sẽ đưa ra mẫu mã trên file thiết kế và thực hiện theo yêu cầu của khách hàng. Đây sẽ là những sản phẩm giới hạn và mang đậm tính cá nhân hóa”, chị Như chia sẻ.

MỚI - NÓNG