Những ngày này, tại làng nghề làm hương thẻ Tây Lân ở xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), tận dụng thời tiết nắng ráo, người dân tất bật làm hương để phục vụ nhu cầu tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán. Nhiều cơ sở phải thuê thêm công nhân, trả lương theo sản phẩm để có đủ hàng trả khách. |
Gắn bó với nghề làm hương truyền thống gần 40 năm, chị Lê Thị Nga (xóm Tây Lân, xã Nghi Trường) cho biết, nguyên liệu để làm hương hoàn toàn bằng các loại thảo mộc như rễ hương, hoa hồi, quế chi… Ưu điểm của loại hương này không gây độc hại với sức khỏe người sử dụng, cũng như người trực tiếp sản xuất, mùi thơm dễ chịu. |
“Ở đây chúng tôi làm hương quanh năm nhưng dịp Tết Nguyên đán là mùa tiêu thụ hương lớn nhất trong năm. Nguồn hàng ngày Tết gấp đôi so với những tháng thường ngày. Dịp này, gia đình phải thuê 15 nhân công làm việc cả ngày, đêm để kịp các đơn hàng cho khách”, chị Nga chia sẻ. |
Bột hương được trộn đều và cho vào máy để làm hương |
Sau khi bột được trộn bỏ vào máy, người dân chỉ cần đẩy nhưng thanh tre vào bên trong sẽ tạo ra hương. Hương được làm xong sẽ ra phơi, đến cuối chiều gom lại và đóng gói. |
Hiện 100% hộ sản xuất hương ở làng nghề này cũng đã đầu tư mua sắm máy móc và trang thiết bị làm hương như máy trộn nguyên liệu, máy bắn que. Máy móc trang thiết bị hiện đại nên sản phẩm làm ra vừa đẹp, vừa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. |
Chị Nga cho biết, hương thẻ ở Tây Lân không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất bán một số lượng lớn ở Lào, Campuchia. |
Dịp Tết, các cơ sở sản xuất hương phải thuê thêm nhân công để đóng gói sản phẩm kịp tiêu thụ. |
Nghề làm hương khá nhẹ nhàng, người già, học sinh cũng có thể tranh thủ thời gian để làm có thêm thu nhập. |
Hương Tây Lân đa dạng mẫu mã và chủng loại, kích cỡ tùy vào đơn đặt hàng. Làng nghề phát triển đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thêm thu nhập. Trung bình mỗi ngày làng nghề sản xuất ra từ 6-7 vạn thẻ hương các loại, cao điểm dịp Tết từ 10-12 vạn. |
Ông Nguyễn Duy Châu, Chủ tịch UBND xã Nghi Trường cho biết, nghề làm hương Tây Lân được công nhận danh hiệu làng nghề từ năm 2011. Dịp cao điểm, làng nghề này có hơn 30 hộ sản xuất hương. Tuy nhiên, hiện phần lớn những hộ này đã góp vốn, làm chung với nhau nên chỉ còn 12 cơ sở làm hương. Mỗi cơ sở làm hương đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương. |