Giao thông liên vùng Đông Nam bộ: Thiếu kết nối, tứ bề tắc nghẽn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lưu lượng phương tiện quá lớn, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông thiếu kết nối đồng bộ khiến tình trạng quá tải, ùn ứ xe cộ trên các tuyến đường vùng Đông Nam bộ ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Sau khi về Lagi (Bình Thuận) thăm gia đình, Chủ nhật vừa rồi, chị Nguyễn Khánh Phương đi xe khách vào TPHCM để chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tuần. Hành trình thông thường mất khoảng 3 giờ 30 phút, nhưng ngày hôm đó chị phải ngồi xe hơn 5 giờ đồng hồ mới đến nơi. “Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây kẹt xe khủng khiếp vào cuối tuần. Xe phải nhích từng chút một trên cao tốc, rất mệt mỏi. Phải mất hơn 1 giờ 30 phút chúng tôi mới ra khỏi được cao tốc”- chị Phương cho biết.

Giao thông liên vùng Đông Nam bộ: Thiếu kết nối, tứ bề tắc nghẽn ảnh 1

Đường vành đai 3 TPHCM

Không riêng tuyến đường kể trên, tất cả các tuyến đường cửa ngõ ra vào TPHCM kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh… đều ùn tắc xe cộ vào những ngày cuối tuần. Trầm trọng nhất là vào các dịp lễ, Tết. Xe cộ phải xếp hàng dài trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và các tuyến đường kết nối đi Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận… QL22, tuyến đường độc đạo kết nối TPHCM với Tây Ninh và Campuchia, cũng là nỗi ám ảnh bởi rất nhiều loại phương tiện cùng lưu thông. Mỗi ngày, vào giờ tan tầm, khu vực nút giao An Sương bị ùn tắc bởi xe từ các hướng đường Trường Chinh, QL1 và QL22 di chuyển đến.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở khu vực phía Tây thành phố. Hai tuyến đường kết nối các tỉnh miền Tây với TPHCM là QL1 và cao tốc TPHCM-Trung Lương cũng luôn trong tình trạng ùn ứ vào dịp cuối tuần. Trong khi đó, tuyến QL50 kết nối TPHCM - Long An cũng thường xuyên bị quá tải gây ùn ứ và tai nạn giao thông.

Tuyến đường cao tốc TPHCM- Long Thành - Dầu Giây và các tuyến quốc lộ huyết mạch kết nối Bắc - Nam qua Đồng Nai như QL1, QL51 và QL20 đều đã quá tải. Tỉnh Đồng Nai dự báo, thời gian tới, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm dự kiến khai thác vào năm 2025, kết hợp với việc gia tăng dân số cơ học của các địa phương trong vùng sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hệ thống hạ tầng giao thông đang quá tải và nguy cơ ùn tắc sẽ càng tăng cao.

Với lưu lượng xe lưu thông đã vượt công suất thiết kế, QL51 - tuyến giao thông chính kết nối 3 địa phương trong vùng Đông Nam bộ gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và TPHCM đã quá tải từ lâu, ùn tắc giao thông và kẹt xe xảy ra thường xuyên nhất ở tỉnh này. Ông Đinh Hồng Hà, Tổng Giám đốc Công ty Đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đơn vị đang quản lý dự án BOT QL51 cho hay, hiện nay lưu lượng xe qua QL51 đã quá tải gấp hơn 3 lần thiết kế. Do đó cần có tuyến cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu để giảm tải. Tương tự, tuyến QL1 qua địa bàn Đồng Nai cũng đã quá tải, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.

Trông chờ những dự án kết nối

Ông Nguyễn Văn Bôn, Phó Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết, tại Đồng Nai đã có một số dự án giao thông kết nối liên vùng đang được triển khai cũng như chuẩn bị triển khai như cao tốc Bến Lức-Long Thành, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường vành đai 3, cầu Cát Lái. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, tiến độ triển khai dự án đang có sự chậm trễ. Cụ thể, tuyến cao tốc Bến Lức - Long An qua Đồng Nai đang bị gián đoạn thi công vì thiếu vốn. Dự án cầu thay phà Cát Lái được triển khai từ nhiều năm nhưng vẫn chưa xác định được hướng tuyến.

Tuyến đường vành đai 3 TPHCM (dự án 1A) đoạn đi qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài 6,3 km. Theo kế hoạch ban đầu, dự án được khởi công xây dựng vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh và quá trình thực hiện các thủ tục kéo dài nên kế hoạch này đã không thể thực hiện.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị chủ đầu tư dự án 1A, khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ dự kiến khởi công dự án là công tác giải phóng mặt bằng. Theo phương án đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng của dự án 1A sẽ được các địa phương thực hiện. Để xây dựng 6,3 km thuộc dự án đi qua địa bàn tỉnh, Đồng Nai sẽ phải thu hồi hơn 49 ha đất của 457 hộ dân trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, tuy nhiên đến nay chủ đầu tư mới chỉ nhận bàn giao mặt bằng đối với đoạn tuyến dài khoảng 650m.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ đều kỳ vọng các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như kể trên cũng như dự án đường sắt Thủ Thiêm-sân bay Long Thành và Biên Hòa-Vũng Tàu khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối để thông đường cho sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Vùng Đông Nam bộ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất của cả nước, đảm nhận vận chuyển 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, giao thông chính là điểm yếu của vùng Đông Nam bộ trong việc phát triển logistics. Ông Trịnh Quang Tuấn - Phó Phòng Kế hoạch thị trường, Công ty CP Cảng Sài Gòn, cho rằng, hiện nay đang thiếu đường lớn, đường rộng và thiếu đồng bộ kết nối hạ tầng cầu-đường-cảng biển-cảng hàng không-cảng cạn giữa TPHCM và địa phương trong vùng.

MỚI - NÓNG