Anh tìm cách gửi pháo hạng nặng của Mỹ cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Anh muốn gửi pháo phản lực MLRS M270 cho Ukraine, tuy nhiên đây là hệ thống do Mỹ sản xuất, nên London cần xin phép Washington.
Anh tìm cách gửi pháo hạng nặng của Mỹ cho Ukraine ảnh 1

Hệ thống MLRS M270. Ảnh: Getty

Kế hoạch của London đã được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace xác nhận. Ông cho biết loại pháo này có thể tấn công mục tiêu ở cách xa tới 80km, và mang lại "sự tăng cường đáng kể về năng lực cho lực lượng Ukraine".

Trước Anh, Mỹ đã tuyên bố gửi hệ thống HIMARS M142 - "họ hàng gần" của MLRS M270 cho Ukraine.

Pháo phản lực phóng loạt (MLRS) M270 và pháo phản lực phóng loạt cơ động cao (HIMARS) M142 là 2 phiên bản của hệ thống pháo phản lực do Mỹ sản xuất và có thể sử dụng gần như cùng loại rocket.

Tùy thuộc vào loại rocket, 2 hệ thống này có thể đạt tầm bắn từ 32-70km đến 500km. Điểm khác biệt chính là MLRS sử dụng hệ thống bánh xích, có thể mang được số lượng rocket gấp đôi so với HIMARS (gắn trên bệ xe tải).

Theo một số nguồn tin, Mỹ đã cân nhắc cung cấp cả 2 hệ thống cho Ukraine, nhưng cuối cùng quyết định chọn loại "nhẹ" hơn là HIMARS M142.

Tờ Politico cho biết chính phủ Anh đang đàm phán với Mỹ để được phép cung cấp cho Ukraine các bệ phóng hạng nặng MLRS từ kho vũ khí của mình. Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là đã nói chuyện với Tổng thống Joe Biden về vấn đề này vào sáng 1/6. Ngoại trưởng Anh Liz Truss và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thảo luận thêm về vấn đề này vào sáng 2/6, và Washington dự kiến sẽ "bật đèn xanh" cho đề xuất này.

Một nguồn tin khác cho biết Mỹ muốn khuyến khích các nước đang vận hành MLRS gửi hệ thống này đến Ukraine. Ít nhất 15 quốc gia đang sở hữu nhiều phiên bản khác nhau của hệ thống vũ khí này.

Trước đó, khi thông báo về việc chuyển giao hệ thống HIMARS cho Kiev, Washington đã khẳng định hệ thống vũ khí này sẽ không cho phép lực lượng Ukraine tấn công Nga, và lập luận rằng Mỹ sẽ ngăn chặn kịch bản mà trong đó Mátxcơva coi Washington là một bên trong cuộc xung đột.

"Chúng tôi không cung cấp bất cứ loại vũ khí nào có thể cho phép quân đội Ukraine tấn công Nga từ bên trong lãnh thổ Ukraine, và Tổng thống Joe Biden đã nói rất rõ về điều này", Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết. "Chúng tôi sẽ không trở thành một bên tham chiến."

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc phỏng vấn với Newsmax khẳng định quân đội nước này không có kế hoạch sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, Nga không tin tưởng rằng ông Zelensky sẽ giữ lời. "Ông Zelensky thường xuyên không giữ lời, bắt đầu bằng lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông rằng ông sẽ chấm dứt chiến tranh ở Đông Nam Ukraine. Chúng tôi không tin tưởng Ukraine", ông Peskov nói, đồng thời cho biết Nga cũng không tin rằng Mỹ đang hành động có thiện chí.

“Mỹ đang đổ xăng vào lửa một cách có chủ ý và nhiệt tình", ông Peskov nhận định. Và nguồn cung vũ khí của Mỹ "khuyến khích giới lãnh đạo Ukraine không nối lại các cuộc đàm phán hòa bình".

Ông Peskov cam kết rằng quân đội Nga sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu mối đe dọa tiềm tàng gây ra bởi các tên lửa Mỹ ở Ukraine.

Theo RT
MỚI - NÓNG