Thủ tướng Đức hứa cung cấp tên lửa cho Ukraine, quân đội nói 'không có vũ khí này trong kho'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không tiên tiến IRIS-T, nhưng Bộ Quốc phòng Đức lại cho biết quân đội nước này không có sẵn IRIS-T trong kho.

Ngày 1/6, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không IRIS-T, theo lời đề nghị của Kiev và các đảng đối lập của Đức về việc tăng cường viện trợ vũ khí hạng nặng.

IRIS-T là một loại vũ khí phòng không tiên tiến, có thể ở dạng tên lửa không-đối-không tầm ngắn, tên lửa đất-đối-không tầm ngắn hoặc tầm trung.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo cùng ngày, khi được hỏi về việc Berlin có ý định gửi cho Kiev phiên bản tên lửa nào, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng David Helmbold đã từ chối trả lời và cho biết “câu hỏi này nên dành cho ngành công nghiệp quốc phòng”. Phát ngôn viên nói thêm rằng ông không thể làm rõ vấn đề vì quân đội Đức không có sẵn hệ thống phòng không này trong kho vũ khí của mình.

Trên thực tế, quân đội Đức có hệ thống IRIS-T nhưng chỉ ở dạng tên lửa không-đối-không gắn trên các máy bay chiến đấu Eurofighter và Tornado. Hệ thống được thiết kế để thay thế tên lửa không-đối-không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder của Mỹ được phát triển bởi các công ty từ Đức, Ý, Thụy Điển và Hy Lạp cùng nhiều quốc gia khác.

Tại Đức, IRIS-T được sản xuất bởi Diehl. Công ty này cung cấp cả tên lửa phiên bản không-đối-không và đất-đối-không. Phát biểu về khả năng chuyển giao IRIS-T cho Ukraine, ông Helmbold nói rằng khi Thủ tướng Scholz nói về hệ thống phòng không "hiện đại nhất" ở Đức, ông có thể không nhất thiết muốn nói đến hệ thống mà quân đội sở hữu. “Chúng tôi không chỉ có quân đội mà còn có cả ngành công nghiệp quốc phòng”, ông Helmbold lưu ý.

Theo thông tin trên blog quốc phòng do nhà báo tự do Thomas Wiegold điều hành, Diehl có thể "chuyển hướng" kế hoạch cung cấp hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T SLM từ Ai Cập sang Ukraine. Bài báo cho biết thêm rằng khả năng sản xuất của Diehl hiện cho phép công ty sản xuất 2 hệ thống như vậy mỗi năm.

Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói trước Quốc hội rằng việc chuyển giao hệ thống phòng cho Ukraine sẽ “mất một thời gian, vài tháng”. Bà cũng nói thêm rằng hệ thống do Diehl sản xuất ban đầu được dành cho “một quốc gia khác”.

Tờ Bild của Đức đưa tin vào giữa tháng 5 rằng các hệ thống IRIS-T SLM có thể được Ukraine triển khai vào khoảng tháng 11. Berlin đã liên tục cung cấp cho Kiev vũ khí nhỏ, tên lửa chống tăng và đạn dược kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz đã phải đối mặt với những lời chỉ trích tại Đức vì miễn cưỡng cung cấp cho Ukraine những vũ khí hạng nặng mà Kiev đã nhiều lần yêu cầu.

Đáp lại, ông Scholz ca ngợi thành tích cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev, đồng thời cho rằng quyết định chuyển giao vũ khí cho Ukraine đã phá vỡ truyền thống của Đức là không gửi vũ khí đến các khu vực xung đột. Ông gọi đây là quyết định "can đảm", và cam kết ủng hộ Ukraine trong xung đột với Nga.

Yêu cầu của Ukraine về vũ khí hạng nặng gia tăng trong những tuần gần đây, khi Mátxcơva dồn tổng lực về phía Đông Donbass.

Thủ tướng Scholz cho biết Berlin vẫn đang đàm phán với các đồng minh của Đức về cách hỗ trợ Ukraine.

Hôm 31/5, ông Scholz tuyên bố Đức sẽ chuyển xe chiến đấu bộ binh (IFV) cho Hy Lạp, để Athens có thể chuyển giao vũ khí thời Liên Xô này cho Ukraine.

Theo RT
MỚI - NÓNG