Phát biểu hôm 10/1, Đại sứ Anatoly Antonov cho biết: “Hàng nghìn chiến binh cực đoan và những kẻ cướp đã cố gắng phá hoại trật tự hiến pháp ở Kazakhstan. Họ sử dụng vũ khí chống lại dân thường. Họ gây thiệt hại cho tài sản công và tư nhân. Tôi muốn lưu ý rằng tất cả những chuyện này xảy ra sau khi Mỹ rút lui khỏi Afganistan, và khi các tư tưởng cực đoan đang lan truyền nhanh chóng trong khu vực".
Afghanistan nằm cách Kazakhstan không xa. Đồ hoạ: Geopolitical Monitor |
Ông Antonov cũng gọi các cuộc biểu tình là nỗ lực kích động “cách mạng màu”, mà đứng đằng sau là “những kẻ khủng bố, những kẻ côn đồ và kẻ cướp”.
“Việc những tên cướp tấn công nhân viên thực thi pháp luật, nhân viên y tế và nhân viên cứu hoả là không thể chấp nhận được. Làm sao chúng ta có thể thương lượng được với những người đã chặt đầu cảnh sát? Bất kỳ cuộc nói chuyện nào với những kẻ khủng bố chỉ khuyến khích chúng phạm tội nhiều hơn”, ông Antonov nhấn mạnh.
Làn sóng phản đối chính sách giá nhiên liệu ở Kazakhstan bùng phát ngày 2/1, nhưng chủ yếu là các cuộc biểu tình ôn hoà. Sau đó, lực lượng khủng bố và các nhóm tội phạm có tổ chức được cho là đã lợi dụng làn sóng biểu tình để xuống đường với vũ khí và tấn công lực lượng thực thi pháp luật.
Người biểu tình quá khích tấn công xe cảnh sát ở thành phố Almaty. Ảnh: Reuters |
Giới chức Kazakhstan cho biết cuộc biểu tình lan rộng ở nước này có liên quan đến thành viên của các nhóm Hồi giáo cực đoan.
“Các sự kiện ở thành phố Almaty và nhiều vùng khác trên cả nước cho thấy Kazakhstan đang trở thành mục tiêu của các nhóm khủng bố được nước ngoài đào tạo”, Bộ Ngoại giao Kazakhstan cho biết trong một tuyên bố. “Những kẻ tấn công bao gồm các đối tượng có kinh nghiệm chiến đấu thuộc hàng ngũ của các nhóm Hồi giáo cực đoan".
Phát biểu hôm 10/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho biết quốc gia này vừa trải qua một âm mưu đảo chính. Ông khẳng định cuộc truy lùng “những kẻ khủng bố” vẫn đang diễn ra, nhưng trật tự đã được khôi phục.
"Dưới chiêu bài của các cuộc biểu tình tự phát, một làn sóng bất ổn đã nổ ra. Rõ ràng mục tiêu chính là phá hoại trật tự hiến pháp và giành chính quyền. Chúng ta đang nói về một âm mưu đảo chính", ông Tokayev nói.
Mặc dù lực lượng an ninh Kazakhstan đã được phép nổ súng bắn hạ những phần tử quá khích mà không cần báo trước, nhưng Tổng thống Tokayev cho biết các binh sĩ của ông sẽ “không bao giờ nổ súng vào những người biểu tình ôn hoà”.
Quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan vào tháng 8 năm ngoái sau 20 năm tham chiến. Sự rời đi vội vã của quân đội Mỹ đã dẫn đến sự hình thành của chính phủ lâm thời do phong trào Taliban đứng đầu. Nhánh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan nhân cơ hội này trỗi dậy và liên tục tiến hành các vụ tấn công đẫm máu để tranh giành tầm ảnh hưởng với Taliban.