Xe chở người biểu tình đi trên phố ở thành phố Almaty (Kazakhstan). Ảnh: Reuters |
Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết cơ quan an ninh nước này đã bắt giữ 7.939 người liên quan đến làn sóng biểu tình lớn nhất trong hơn 30 năm qua.
Trong số những người bị bắt giữ, có ông Karim Massimov, cựu lãnh đạo Uỷ ban An ninh Quốc gia (KNB). Ông Masimov bị tình nghi phạm tội phản quốc và bị Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev cách chức trước đó vài ngày. Sau ông Massimov, 2 Phó Giám đốc KNB cũng đã bị sa thải.
Làn sóng biểu tình ở Kazakhstan bùng phát ngày 2/1 liên quan đến chính sách nhiên liệu. Ban đầu, các cuộc biểu tình diễn ra trong hoà bình. Nhưng sau đó, đám đông trở nên quá khích và tấn công nhiều cơ sở quan trọng.
Người biểu tình tấn công toà thị chính thành phố Almaty. Ảnh: Tass |
Tổng thống Tokayev đã đồng ý đáp ứng một trong những yêu cầu của người biểu tình và giải tán chính phủ. Ông Alihan Smaiylov được bổ nhiệm làm thủ tướng. Nhưng động thái này vẫn không thể xoa dịu đám đông, buộc ông Tokayev phải đề nghị Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) đưa lực lượng gìn giữ hoà bình đến nước này để lập lại trật tự.
Ngày 7/1, Tổng thống Tokayev tuyên bố ông cho phép nhân viên thực thi pháp luật sử dụng vũ lực gây sát thương để khống chế những người biểu tình quá khích. Ông mô tả đây là “những chiến binh từ trong và ngoài nước, có vũ trang và được đào tạo bài bản”.
Mới đây, một người đàn ông quốc tịch Kyrgyzstan sau khi bị bắt đã khai nhận được thuê với giá hơn 200 USD để tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối chính sách giá xăng dầu ở quốc gia láng giềng Kazakhstan.
Người này thậm chí còn được thanh toán chi phí đi lại từ Kyrgyzstan đến Kazakhstan, và được cung cấp chỗ ở miễn phí. Anh ta sống cùng khoảng 10 người khác đến từ Uzbekistan và Tajikistan.