Vietnam Airlines dự kiến bán gần 30 tàu bay

0:00 / 0:00
0:00
Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thanh lý thêm máy bay trong bối cảnh hoạt động hàng không cắt giảm vì dịch COVID-19.
Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thanh lý thêm máy bay trong bối cảnh hoạt động hàng không cắt giảm vì dịch COVID-19.
TPO - Nhận định tiếp tục dư thừa máy bay thời gian tới, Vietnam Airlines lên kế hoạch bán máy bay có tuổi thọ cao, trong đó có 9 máy bay A321, 6 máy bay ATR72 và 12 chiếc trong 2 năm tới.

Sáng 14/12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2021. Các cổ đông đã thông qua đề án tái cơ cấu tổng công ty giai đoạn 5 năm tới, trong đó sẽ giảm đội máy bay đang dư thừa, lên phương án phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn, tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài.

Theo phương án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025 được cổ đông thông qua, nội dung: thu hẹp đội máy bay trong giai đoạn trước mắt, trong đó có bán một số tàu bay tuổi cao (trên 12 tuổi), đàm phán để giãn, hoãn, huỷ một số hợp đồng thuê, mua máy bay mới; phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn qua phát hành trái phiếu; tái cơ cấu các khoản nợ; bán, thoái vốn tại một số doanh nghiệp thành viên để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tinh gọn, giảm đầu mối trong bộ máy; tái cơ cấu tài sản nhà, đất; thay đổi danh mục đăng ký kinh doanh…

Giải đáp rõ hơn về các nội dung tái cơ cấu, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, hiện thị trường khách hàng không vẫn rất yếu, hệ số sử dụng ghế thấp, giá giảm. Cụ thể, “đường bay vàng” Hà Nội – TPHCM, hiện tỷ lệ sử dụng ghế chỉ đạt 65% mỗi chuyến, các đường bay nội địa khác hệ số sử dụng ghế khoảng 55%, giá vé bình quân giảm 15% so với năm 2020 và giảm 35% so với năm 2019 (khi chưa có dịch COVID-19). Năm 2022, theo ông Hà, phương án khả quan nhất khi dịch được kiểm soát tốt, tỷ lệ phục hồi khách nội địa chỉ bằng khoảng 70% so với năm 2019, đường bay quốc tế chỉ xấp xỉ 25%, và dự kiến tăng dần vào cuối năm tới.

Hiện Vietnam Airlines đang sở hữu và khai thác 104 máy bay, trong đó có 29 máy bay thân rộng, 7 máy bay ATR72, còn lại là máy bay A321. Dự kiến, năm 2022, thị trường hàng không chưa thể phục hồi toàn bộ, nên hãng dự kiến dư 8 máy bay thân rộng, 20 máy bay thân hẹp.

“Chúng tôi đang đàm phán để tái cơ cấu đội máy bay, tiếp tục bán máy bay có tuổi thọ cao, trong đó có 9 máy bay A321, 6 máy bay ATR72, đàm phán để giảm giá thuê máy bay, lùi thời hạn nhận hoặc hủy với hợp đồng mua máy bay mới nhưng chưa nhận. Giai đoạn 2 năm tới sẽ tiếp tục bán thêm 12 máy bay thân hẹp”, ông Hà Nói thêm.

Còn ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines chia sẻ, hiện đề án tái cơ cấu tổng công ty trong 5 năm tới đã hoàn thành, đang báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt. Giải pháp trọng tâm là giảm chi phí thuê máy bay, tái cơ cấu tài sản, tài chính, giảm chi phí, tinh gọn bộ máy. Từ cuối năm 2020 tới nay, Vietnam Airlines đã giảm 70 đầu mối các phòng ban trung gian, qua đó giảm chi phí khoảng 600 tỷ đồng. Dự kiến, thời gian tới sẽ thoái vốn tại một số công ty thành viên trong các lĩnh vực không cốt lõi, cùng đó là thay đổi ngành nghề kinh doanh để có thể điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổng công ty.

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán Trưởng Vietnam Airlines cho biết, dự kiến hết năm nay mức lỗ của tổng công ty sẽ thấp hơn dự kiến trước đó (trước đó dự kiến lỗ gần 13.000 tỷ đồng trong năm nay). Với gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng từ nhà nước, tới nay đã giải ngân đạt 60%, giúp hãng tránh nguy cơ mất thanh khoản, vốn chủ sở hữu vẫn đảm bảo dương. Tuy nhiên, tiền hỗ trợ này chỉ bù đắp được thiệt hại của năm 2020, chưa bù được thiệt hại năm 2021. Do đó, tổng công ty vẫn khó khăn về dòng tiền, tình trạng mất cân đối nợ.

Với phương án phát hành trái phiếu, theo ông Hiền, hiện chưa chốt phương án là phát hành trái phiếu doanh nghiệp thế nào, theo hình thức ra công chúng, hay riêng lẻ, phát hành trong nước hay quốc tế.

MỚI - NÓNG
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
TPO - Trong tháng 4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra nhiều đợt mưa giông, lốc, mưa đá kèm gió giật mạnh gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng, đặc biệt những nơi xảy ra thiên tai là địa phương nghèo. Do đó, tỉnh Hòa Bình đã đề xuất Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai và các Bộ ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ hơn 42 tỷ đồng.