Cụ thể, cổ đông nắm 1.000 cổ phiếu HVN tại ngày chốt danh sách sẽ được quyền mua thêm 564 cổ phiếu mới. Giá chào bán ngang mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến Vietnam Airlines sẽ thu về 8.000 tỷ đồng.
Cổ đông Nhà nước đang nắm giữ 86,2% vốn điều lệ của Vietnam Airlines, tương đương hơn 1,22 tỷ cổ phiếu HVN. Do vậy cổ đông nhà nước sẽ được quyền mua gần 690 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán sắp tới.
Cổ đông chiến lược ANA Holdings Inc. (đến từ Nhật Bản) sẽ có quyền mua hơn 70 triệu cổ phiếu.
Tại đại hội, cổ đông cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Vietnam Airlines tăng lên 22.182 tỷ đồng. Dự kiến các thủ tục phát hành sẽ hoàn tất vào cuối quý 3/2021.
Trước đó, ngày 7/7, Tổng công ty đã hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại trước khi chính thức tiến hành giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, tổng số tiền 12.000 tỷ đồng từ gói vay tái cấp vốn và phát hành thêm cổ phiếu sẽ được sử dụng bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines, năm 2021, trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch khả thi với mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, tương đương 88,4% so với năm 2020.
Để vượt qua đại dịch và nắm bắt cơ hội phát triển, Vietnam Airlines đặt mục tiêu duy trì an toàn khai thác, phòng chống dịch bệnh, giữ vững vị thế chủ lực của Vietnam Airlines Group trong ngành hàng không, tái cơ cấu toàn diện và thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ.
Mặt khác, Vietnam Airlines tiếp tục tìm mọi giải pháp tăng thu và cắt giảm, tối ưu hóa chi phí (đặc biệt tái cơ cấu đội tàu bay, chi phí thuê tàu bay); tái cơ cấu danh mục đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; kiện toàn tổ chức các khối theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tinh giản số lượng lao động; đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ (vững chắc 4 sao và tiến đến 5 sao).
Tổng công ty chủ động tìm kiếm sự chia sẻ, hỗ trợ từ đối tác để đàm phán giảm giá, giãn, hoãn thanh toán, cắt giảm và triệt để tiết kiệm các khoản chi để giảm thiểu mức lỗ trong kinh doanh. Dự kiến tổng chi phí cắt giảm, tiết kiệm bằng các giải pháp tự thân năm 2021 đạt được trên 6.800 tỷ đồng.
Đánh giá cao những nỗ lực của Vietnam Airlines, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, Vietnam Airlines là hãng hàng không có thương hiệu, nên nếu để phá sản hay khó khăn mà không tháo gỡ sẽ đem lại hậu quả không tốt cho đất nước. "Quốc hội và Chính phủ đã có các giải pháp hỗ trợ cho Vietnam Airlines, trong đó bằng chính giải pháp tự thân của hãng mà không có sự hỗ trợ tiền mặt 'rót' xuống hãng hàng không giống như các nước khác đã làm,” bà Hà nói.