Có kinh nghiệm về thiết kế, Dương Ngân Giang (sinh năm 1994, ở Hà Nội) đã nảy ý tưởng làm đồ tái chế từ túi nilon đã qua sử dụng với mong muốn tạo ra các sản phẩm thiết thực hơn, góp phần giảm thiểu túi nilon ra môi trường.
Ngân Giang mày mò thử nghiệm và hoàn thành được một "tấm nilon" mới với hoạ tiết và hiệu ứng rất đẹp. Tấm nilon dai, mềm và bắt mắt nên cô đã sáng tạo thêm cho ra đời chiếc túi thời trang làm bằng nilon là sản phẩm đầu tiên.
Chia sẻ về những bước làm cơ bản, Ngân Giang nói: “Các vật liệu cần có để làm được rất đơn giản như túi nilon khô, giấy nến, bàn là. Đầu tiên, chúng ta phải cắt túi nilon khô ra thành các hình theo ý thích rồi xếp các miếng túi lên một mặt phẳng lớn (mình trải lên mặt bàn) và xếp theo ý thích ngẫu nhiên, khoảng 4 đến 5 lớp túi.
Sau khi trải xong các lớp nilon, trải lớp giấy nến lên trên cùng, điều chỉnh bàn là ở nhiệt độ vừa, sau đó là nhanh tay trên lớp giấy nến. Cuối cùng, khi là nilon xong, nếu muốn tấm nilon dày hơn và thêm hiệu ứng thì tiếp tục xếp nilon và là lại”.
Tấm nilon được ghép từ nhiều miếng túi nhỏ, khoảng 4 đến 5 lớp, xếp trên một mặt phẳng lớn. |
“Vì mình có kinh nghiệm về thiết kế và được tiếp xúc với nhiều loại vật liệu nên cũng nắm bắt được cách làm khá nhanh. Chiếc túi này là sản phẩm đầu tay của mình, mất khoảng 2 tiếng để hoàn thành. Mình cũng chưa thử độ nặng tối đa là bao nhiêu nhưng có thể áng khoảng túi sẽ đựng được từ 5 đến 7kg”, Ngân Giang nói. |
Ngân Giang cảm thấy đây là phương pháp rất hữu hiệu đối với các loại túi nilon bị rách và ít còn giá trị sử dụng. Với các vật liệu đơn giản, chỉ cần một chút thời gian và công sức thì ai cũng có thể tái chế những chiếc túi và khiến chúng có thêm “đời sống mới” xinh xắn, hữu ích quanh ta.
Hiện nay, rất nhiều gia đình đã có thói quen tốt đó là đi chợ bằng làn, phân loại rác thải vô cơ và hữu cơ. Tuy nhiên, việc sử dụng túi nilon hiện chưa thể hạn chế tối đa dù biết thời gian tồn tại của nó ngoài môi trường lên đến hàng chục, hàng trăm năm.
Góp phần giảm thiểu số lượng túi nilon sử dụng trong đời sống hằng ngày, bố mẹ Ngân Giang có thói quen giữ lại các túi đi chợ, nếu túi sạch sẵn thì sẽ cất đi luôn, còn nếu túi hơi dính bẩn thì giặt và phơi khô để giữ lại dùng. Vậy nên, cô không mất thời gian nhiều để sưu tầm túi nilon bởi trong nhà luôn có một thùng túi tái sử dụng.
Ngay sau khi chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ khác cũng đã tham khảo thêm cách làm của Ngân Giang để mày mò làm thử, vừa thời trang lại vừa bảo vệ môi trường. |
Túi được làm từ nilon có thể đựng được đồ dùng từ 5 đến 7kg. |
Trong mùa dịch này, cô gái 9x cũng đang thử nghiệm để ứng dụng các tấm nilon như một loại vật liệu mới tạo ra các sản phẩm thiết thực hơn. Việc tái chế túi nilon chỉ là một phần nhỏ bé trong việc giảm thải và bảo vệ môi trường, Ngân Giang hy vọng: "Mình mong mọi người sẽ có những hành động thiết thực hơn như từ chối nhận hay sử dụng túi nilon, chủ động sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và dùng được lâu dài, nhiều lần... Vì tái chế không phải là giải pháp hiệu quả nhất để bảo vệ môi trường mà biện pháp hiệu quả nhất chính là sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của chính chúng ta. Đây cũng là thông điệp của mình gửi tới mọi người".