Phương Tây đe tăng trừng phạt Nga, lo chiến tranh kinh tế

Nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt và phương Tây áp dụng các biện pháp trả đũa về tài chính, giá khí đốt sẽ tăng khoảng 15% và giá dầu mỏ tăng 10% trên thị trường châu Âu
Nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt và phương Tây áp dụng các biện pháp trả đũa về tài chính, giá khí đốt sẽ tăng khoảng 15% và giá dầu mỏ tăng 10% trên thị trường châu Âu
TP - Khủng khoảng Ukraine tiếp tục leo thang, Mỹ và EU đe áp thêm biện pháp trừng phạt với Nga kể từ ngày 28/4, nhằm vào các quan chức cấp cao trong lĩnh vực năng lượng, ngân hàng.

Báo Pháp Les Echos ngày 27/4 đưa tin, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes nói với các nhà báo trên máy bay tháp tùng chuyến công du châu Á của Tổng thống Barack Obama rằng, các lệnh trừng phạt sắp tới sẽ đánh thẳng vào những nhân vật có ảnh hưởng trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga như năng lượng, tài chính…

Ngoại trưởng 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ gặp nhau tại Brussels ngày 28/4 để thảo luận các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. EU có thể tăng cường các biện pháp trừng phạt giai đoạn 2.

Năm 2012, EU chi 156,5 tỷ USD mua dầu và khí đốt từ Nga. Đó là lý do khiến EU ngần ngừ không muốn trừng phạt kinh tế. Nếu EU quyết cấm vận năng lượng, Nga sẽ mất 1/5 doanh thu xuất khẩu, tương đương 100 tỷ USD và kinh tế Nga sẽ suy thoái nghiêm trọng.

Tuy nhiên, do lệ thuộc rất lớn vào Nga, nên EU cũng sẽ rơi vào khủng hoảng nếu Mátxcơva ngừng cung cấp khí đốt để đáp trả lệnh trừng phạt kinh tế.

Theo Viện nghiên cứu Oxford Economics, nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt và phương Tây áp dụng các biện pháp trả đũa về tài chính, giá khí đốt sẽ tăng khoảng 15% và giá dầu mỏ tăng 10% trên thị trường châu Âu, GDP của các nước trong khu vực sử dụng đồng euro sẽ giảm 1,5% và tăng trưởng kinh tế của một số nước Đông Âu sẽ giảm tới 3%.

Nhiều nước EU đang phụ thuộc rất nhiều vào tài chính, thương mại và đầu tư với Nga. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu vào Nga lên tới 190 tỷ euro. Các nhà đầu tư châu Âu đang nắm giữ khoảng 90 tỷ euro trái phiếu và cổ phiếu của các tập đoàn Nga. Nếu bị phong tỏa, Mátxcơva có khả năng “đóng băng” vốn của châu Âu trên lãnh thổ Nga để trả đũa.

Hai nền kinh tế lớn nhất EU là Đức và Pháp sẽ bị thiệt hại nặng nhất trong trường hợp xảy ra “chiến tranh kinh tế” với Nga. Kim ngạch thương mại Đức - Nga năm 2013 đạt 76 tỷ euro; tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Đức ở Nga đã lên tới 20 tỷ euro và hiện có khoảng 6.000 công ty Đức đầu tư và hợp tác ở Nga. Năm 2013, các doanh nghiệp Pháp xuất khẩu gần 8 tỷ euro sang Nga. Hiện nay, khoảng 1.200 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Nga và các ngân hàng Pháp nắm hơn 36 tỷ euro tín dụng của các công ty Nga.

Ngành sản xuất ô tô châu Âu cũng sẽ trở thành nạn nhân, bởi Nga là thị trường lớn thứ hai ở châu Âu và lớn thứ sáu thế giới. Hàng loạt thương hiệu lớn của Đức như VW, Daimler AG, BMW đều có mặt tại Nga. Trừng phạt Nga có thể dẫn tới việc Pháp mất thị phần trên thị trường Nga - nơi các nhà sản xuất xe hơi Pháp đang làm ăn khá tốt.

Ngoài Renault-Nissan chiếm vị trí số 1 trên thị trường Nga, PSA Peugeot Citroen cũng đang chiếm thị phần đáng kể. Nếu bị trả đũa, các hãng sản xuất ô tô EU có thể mất hàng tỷ đô la tại thị trường Nga.

MỚI - NÓNG