Phong Điệp: Nuôi con, nuôi văn và… nuôi web

Phong Điệp: Nuôi con, nuôi văn và… nuôi web
TP - Làm báo, viết văn, hoạt động văn nghệ, nuôi con và… nuôi web. Tất cả những công việc ấy được Phong Điệp xếp vào từng ngăn tủ nhỏ và trên tay chị luôn là… chùm chìa khoá.
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng .
 

“Nuôi web” – Chơi mà không chơi

- Là chủ một website văn chương đắt khách, có vẻ như tình yêu và tâm huyết chị dồn vào nó khá lớn?

- Tôi cũng ngạc nhiên là mình nuôi web được bền như vậy (cười). Vì làm web “làm chơi mà không phải chơi”. Mong muốn ban đầu của tôi là làm một cái chỗ để anh em bạn bè văn chương quây quần lại, đọc của nhau, cập nhật các vấn đề thời sự văn học, thì bây giờ, cái mong muốn ấy vẫn là lý do để trang web duy trì.

Dù có nhiều khi công việc quá bận, việc cập nhật tin bài vì vậy đôi lúc bị gián đoạn, chưa kể có những cuộc tranh luận mà mình cũng phải căng ra từng giờ; có người bảo “đừng nên ôm đồm thế”, nhưng tôi cũng tự hứa với mình rằng: đã không làm thì thôi, làm thì đừng có quấy quá, qua loa, đánh trống bỏ dùi. Cái tình ấy, bạn đọc chắc cũng hiểu và gắn bó với Phongdiep.net chăng?

- Phongdiep.net có vẻ “chuẩn chỉ” như một tờ báo mạng, ít gây sốc và không câu comment, chị có sợ sẽ mất dần đi lượng khách viếng thăm mỗi ngày?

- Tôi không ham đông, không ham câu page view bằng ba bài giật gân, dù việc ấy không khó. Nhưng để làm gì? Kiểu comment qua đường ném đá, tôi cực lực phản đối. Thích tranh luận thì xưng tên tuổi đàng hoàng, có quan điểm học thuật đàng hoàng, chứ không phải là thóc mách đời tư nói xấu nhau.

Văn học là một ngôi đền thiêng. Ngôi đền mà náo loạn bởi quay số trúng thưởng, bán hàng hạ giá, ném vòng cổ chai... thì sự thiêng liêng tôn kính ở đâu?

- Đã bao giờ chị gặp rắc rối vì những thông tin được đưa trên Phongdiep.net?

- Rắc rối thì chưa. Nhưng mệt mỏi thì có (cười). Cũng là việc khó của người “làm dâu trăm họ” mà.

Nhà văn Phong Điệp cùng hai con gái
Nhà văn Phong Điệp cùng hai con gái.
 

Sách - Gia tài cho con

- “Nhật ký sẻ đồng” là cuốn truyện thiếu nhi mới nhất của chị vừa được NXB Kim Đồng phát hành, có phải khi đã làm mẹ thì các nữ nhà văn thường chuyển hướng sáng tác sang… các con?

- Đúng và không đúng. Vì trước khi có gia đình, tôi đã có 2 tập truyện ngắn cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng ấn hành, đó là Giấc mơ bay qua cửa sổ (2002) và Người của ngày hôm qua (NXB Kim đồng 2003). Năm 13 tuổi, tôi được tham dự trại viết của Hội VHNT Hà Nam Ninh (nay là Nam Định), và những tác phẩm đầu tiên in trên các báo và tạp chí là những tác phẩm cho thiếu nhi. Chỉ khác là khi ấy mình cũng là thiếu nhi.

Còn giờ, khi đã làm mẹ, thì mong muốn viết cho con trở nên mãnh liệt hơn. Hàng ngày đi làm về, tôi chứng kiến các con mình khôn lớn. Và tôi luôn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ví dụ có hôm cháu trằn trọc không ngủ, dỗ mãi không được, tôi mới hỏi cháu lý do tại sao.

Cháu bảo: bạn cây của con ngoài ban công không có mẹ ở bên thì ngủ làm sao được, muỗi cắn bạn ấy thì ai đuổi cho bạn ấy được. Vậy đấy. Và tôi nghĩ, tại sao lại không viết về chính thế giới trẻ thơ sống động ngay bên cạnh mình. Viết văn, thôi thì không giàu về tiền bạc, vậy gia tài để lại cho con sẽ là những cuốn sách, có bóng dáng của chúng, để sau này chúng đọc lại, và nhớ lại.

- Đến với văn chương khá sớm, đã có hơn 10 đầu sách đủ các thể loại, mỗi lần ra sách mới với chị bây giờ cảm giác thế nào?

- Tôi từng đùa vui rằng: nếu không viết thì không còn biết làm gì nữa. Vì đi buôn chắc ba bữa bị lừa cả vốn lẫn lãi. Làm nhân viên văn phòng thì chắc vài tháng sẽ xì trét. Tôi chỉ muốn được khám phá các vùng đất mới và viết. Mỗi cuốn sách ra mắt, có ý nghĩa với tôi như một chuyến hành trình. Nó đầy lưu luyến, đầy kỉ niệm, và mình lại bắt đầu một hành trình mới, khó khăn hơn, nhưng chắc cũng sẽ thú vị hơn.

- Đọc “Nhật ký sẻ đồng” nếu là người có quen biết với tác giả sẽ thấy nó gần giống một tự truyện chị viết cho con gái Diệp Thảo, liệu có đúng như thế?

- Nhật kí Sẻ Đồng có nhiều “chất liệu” từ hai con gái của tôi. Sẻ đồng cũng là nickname tôi đặt cho con. Trước đây tôi có làm một cuốn nhật kí cho các cháu, trong đó lưu giữ cả những bức thư cô giáo gửi về cho gia đình, thông báo tuần này con làm gì, học gì, ốm đau trên lớp như nào.

Và sau đó tôi quyết định viết hẳn một bộ sách cho các cháu. Hiện nay sách văn học cho các cháu từ 2- 6 tuổi dù rất bắt mắt nhưng chủ yếu vẫn là các câu truyện cổ tích, đơn điệu và lặp nhau. Trong khi “thế giới truyện” trong mỗi đứa trẻ thì chưa được khai thác nhiều.

Cuốn sách mới của Phong Điệp
Cuốn sách mới của Phong Điệp.
 

Chiếc tủ nhiều ngăn

- Hợp đồng tiểu thuyết với Công ty Bách Việt đã sắp kết thúc, chị có định tìm một bà đỡ khác cho “Blogger”?

- Vâng, tôi cũng đang có một số ý định trong việc tái bản Blogger ngay sau khi chấm dứt hợp đồng với Công ty Bách Việt vào đầu năm 2012. Gần một năm nay, sách đã không còn bán trên thị trường, bạn đọc có hỏi và tôi cũng chỉ còn biết trả lời là đợi tôi tìm một đối tác xuất bản tin cậy khác để hợp tác và tái bản.

Sách tái bản sắp tới, tôi dự định bổ sung thêm các bài viết của các nhà phê bình, các nhà văn về tiểu thuyết Blogger. Về hình thức cuốn sách cũng sẽ ấn tượng hơn. Tôi mong bạn đọc kiên nhẫn đợi đến khi tác phẩm được tái bản.

- Viết văn, làm báo, nuôi web và… nuôi con, như thế có là quá nhiều và quá sức với một phụ nữ mảnh mai như chị?

- Tôi cũng không biết nữa. Tôi tự ví mỗi ngày của mình chia ra như cái tủ nhiều ngăn. Ngăn của chồng con. Ngăn của công việc. Ngăn cho Phongdiep.net . Ngăn cho viết lách. Đại loại thế.

- Vậy chị sẽ xử lý thế nào nếu như cùng một lúc có những… 2, 3 ngăn cần đến mình?

- Luôn phải có thứ tự ưu tiên chứ. Ví dụ mọi thứ đều xếp sau con cái. Đến giờ đón con, kiểu gì cũng phải lao về cho kịp giờ. Con ốm thì không văn chương viết lách gì hết. Cũng có những trường hợp “các ngăn” phải nhân nhượng nhau. Giả dụ hôm nào cần bài gấp, mẹ ngồi viết, con ngồi ngủ gật bên cạnh đợi bằng được mẹ lên nằm cùng. Nhưng cơ bản đến giờ chưa có nhiều xung đột… (cười).

- Giới sáng tác trẻ đang xôn xao trước thềm những Hội nghị viết văn trẻ của các địa phương và cả nước, là một tác giả trẻ tuổi làm việc cơ quan Hội Nhà văn, đã từng tham dự nhiều Hội nghị viết văn trẻ, chị đón nhận sự kiện này thế nào?

- Nếu như trước kia tôi đi dự Hội nghị với tư cách là đại biểu, chờ mong ngày được gặp các bạn văn chương của mình, rất vui và háo hức; thì năm nay tôi tham gia Hội nghị với tư cách là thành viên BTC nên bên cạnh niềm vui còn có phần lo lắng về công tác chuẩn bị Hội nghị cho thật tốt.

- Và chị sẽ vẫn tiếp tục viết cho thiếu nhi chứ?

- Đó là một trong những mảng đề tài mà tôi đã và sẽ theo đuổi.

- Cám ơn chị đã chia sẻ!

Dương Tử Thành thực hiện

Phong Điệp đến với văn chương từ khi còn là học sinh chuyên văn của trường PTCS Trần Đăng Ninh, TP Nam Định. Khi đang là sinh viên Đại học Luật Hà Nội chị từng đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ trẻ 1996 - 1997 với truyện ngắn “Ma Mèo”.

Phong Điệp cũng đã đoạt giải thưởng ở cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần 2 và 3 do NXB Trẻ, Báo Tuổi trẻ và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức. Chị đã xuất bản trên 10 đầu sách, trong đó có 8 tập truyện ngắn; 2 tập truyện dài; 1 tập trò chuyện văn chương; và 1 tiểu thuyết (Blogger). Hiện Phong Điệp là Trưởng Ban biên tập Báo Văn nghệ trẻ, Hội Nhà văn VN.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.