Phó Thủ tướng: Tăng cường thanh kiểm tra đột xuất bảo hiểm xã hội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu ngành bảo hiểm xã hội trong năm nay cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia, giảm tiền chậm đóng, đồng thời chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người hưởng...

Ngày 17/1, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2024.

BHYT gần tiệm cận mục tiêu toàn dân

Ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - cho biết, năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng là năm để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với ngành.

Phó Thủ tướng: Tăng cường thanh kiểm tra đột xuất bảo hiểm xã hội ảnh 1

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, năm 2023 tỷ lệ số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây

Theo ông Mạnh, đến thời điểm này cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia BHXH đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó khoảng 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 1,42% mục tiêu đến năm); 14,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt gần 31,6% lực lượng trong độ tuổi. Đặc biệt, có trên 93,3 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 93,35% dân số (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01 của Chính phủ) và vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

Cũng theo ông Mạnh, năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết gần 95,7 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; hơn 8,8 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; hơn 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT (tăng trên 23,4 triệu lượt KCB so với năm 2022); phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội giải quyết hơn 1 triệu người hưởng các chế độ BHTN.

"Tổng số chi các quỹ BHXH, BHYT, BHTN lên đến trên 439,27 nghìn tỷ đồng. Năm qua, ngành đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 22 nghìn đơn vị với tổng số tiền chậm đóng các đơn vị đã khắc phục là trên 2.023 tỷ đồng. Số tiền chậm đóng chỉ chiếm 2,69% số phải thu. Đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây”, ông Mạnh chia sẻ.

Phó Thủ tướng: Tăng cường thanh kiểm tra đột xuất bảo hiểm xã hội ảnh 2

Quang cảnh hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là do tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn dẫn đến nhiều doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm với số tiền lớn, thời gian kéo dài…

Hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, trong năm 2024 dự báo nền kinh tế - xã hội sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Để tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các mục tiêu, kế hoạch trong Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai trong toàn ngành.

Ngành cần nắm bắt, đánh giá các vướng mắc trong thực tiễn triển khai, từ đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp.

"Ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm", Phó Thủ tướng đề nghị.

Phó Thủ tướng: Tăng cường thanh kiểm tra đột xuất bảo hiểm xã hội ảnh 3

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng, các đơn vị cần đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào nghị quyết, chương trình hành động, xác định đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

MỚI - NÓNG