Phó Giáo sư ngành Y 35 tuổi với bộ sưu tập gần 60 bài báo khoa học quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 27/1 vừa qua, anh Trần Ngọc Đăng vinh dự nhận quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư (PGS) của Đại học Y Dược TPHCM. Theo đó, anh là một trong những PGS trẻ nhất ngành Y học Việt Nam 2022 (thông tin từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố trước đó) với bộ sưu tập gần 60 bài báo khoa học quốc tế, 26 bài báo khoa học trong nước. 
Phó Giáo sư ngành Y 35 tuổi với bộ sưu tập gần 60 bài báo khoa học quốc tế ảnh 1

PGS.TS Trần Ngọc Đăng chụp ảnh cùng gia đình, bạn bè tại Lễ bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư năm 2022 của Đại học Y Dược TPHCM.

Táo bạo trước những cơ hội

Ngay từ khi còn là sinh viên năm 4 chuyên ngành Y tế công cộng của Đại học Y Dược TPHCM, anh Trần Ngọc Đăng (sinh năm 1988, quê ở Quảng Nam) đã thể hiện rõ chất của một người nghiên cứu dám nghĩ, dám làm.

Vốn ham học và thích trải nghiệm, anh tìm đến khóa học mùa hè của ĐH Tsukuba (Nhật Bản) năm 2010 để viết đơn ứng tuyển. Mặc dù khóa học này chỉ dành cho sinh viên sau đại học, nhưng anh vẫn đánh liều nộp đơn kèm theo minh chứng năng lực và lá thư giới thiệu của thầy trưởng khoa.

Sau khi được nhận, anh Đăng trở thành sinh viên đại học duy nhất trong đoàn đại biểu quốc tế tham dự khóa học hè tại “xứ sở mặt trời mọc”. Anh mang chất “ngông” của tuổi trẻ cùng ham muốn chinh phục được kho tri thức tiên tiến để làm hành trang cho chặng đường nghiên cứu sắp tới.

Nhờ khóa học này, chàng trai Quảng Nam đã thu hút sự chú ý và gây ấn tượng với hai giáo sư Nhật của ĐH Tsukuba. Họ ngay lập tức viết thư tiến cử với chính phủ Nhật cấp học bổng cao học và nghiên cứu sinh cho Đăng có cơ hội bồi dưỡng, phát triển sâu hơn.

Theo lộ trình, anh sẽ phải mất 6 năm để hoàn thành chương trình học thạc sĩ và tiến sĩ. Tuy nhiên, mỗi ngày Đăng đều dành 13 tiếng ở phòng nghiên cứu để đọc tài liệu, lấy mẫu xét nghiệm, viết báo khoa học…

Nhớ lại bài báo quốc tế đầu tiên được xuất bản, anh Đăng nói: "Đó là bài báo tôi được giáo sư sửa đỏ, từ dấu chấm, dấu phẩy, và chật vật sửa lại 6 lần mới được gửi bản thảo đến tạp chí. Qua đây, tôi học được phong thái, cách làm việc tỉ mỉ, cẩn thận và hoàn thiện của người Nhật".

Chính sự ham học hỏi và cầu thị đã giúp anh rút ngắn quãng thời gian làm nghiên cứu sinh và tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học chăm sóc con người sớm hơn 1 năm.

“Nối dài” hành trình nghiên cứu

Cuối năm 2017, PGS. TS Trần Ngọc Đăng về nước để tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu mới, tập trung giải quyết các vấn đề sức khỏe của con người dưới sự tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Hiện tại, anh giữ vai trò Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ dự án và Đổi mới sáng tạo của Đại học Y Dược TPHCM.

Với bộ sưu tập 56 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế (có tới 39 bài báo thuộc danh mục Q1); 26 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước (17 bài là tác giả chính); chủ trì 05 chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học; tác giả của 2 sách chuyên khảo… PGS.TS Trần Ngọc Đăng đã được nhận giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2022 của Trung ương Đoàn.

Nghiên cứu của PGS.TS Trần Ngọc Đăng xoay quanh giải quyết các vấn đề về môi trường có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tiêu biểu, anh Đăng cùng nhóm nghiên cứu do PGS.TS.BS Phạm Lê An (Trưởng Trung tâm bác sĩ gia đình ĐH Y Dược TP.HCM) dẫn dắt đã thử nghiệm hiệu quả bảo vệ của ba loại khẩu trang: khẩu trang vải, khẩu trang y tế và khẩu trang N99 để từ đó thiết kế ra loại khẩu trang đạt chuẩn, có thể lọc được tối đa phần trăm bụi mịn, giảm thiểu phơi nhiễm ô nhiễm không khí do giao thông ở trẻ em. Tính thực tiễn của dự án này đã được Quỹ NHMRC (Úc) và Quỹ NAFOSTED (Việt Nam) công nhận và quyết định tài trợ, với tổng mức đầu tư hơn 10 tỉ đồng.

Ngoài ra, anh cũng đầu tư vào các đề tài nghiên cứu tìm ra giải pháp, mô hình phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; phần mềm cảnh báo sớm dịch bệnh để giúp các cơ sở y tế chủ động, giảm tải được khối lượng công việc hơn.

Đa số các bài báo quốc tế của anh được đăng trên các tạp chí uy tín trong ngành, chẳng hạn American Journal of Public Health (Tạp chí Y tế Công cộng Hoa Kỳ), Environmental Health Perspective (Viễn cảnh sức khỏe môi trường), Scientific Reports (Báo cáo khoa học)… Trong đó, PGS.TS Đăng ghi dấu ấn với bài báo được đăng trên tạp chí Nature climate change (Thiên nhiên biến đổi khí hậu) khi có chỉ số ảnh hưởng cao nhất (impact factor - IF) là 21.7. Và bài báo có số trích dẫn nhiều nhất hiện nay được đăng trên tạp chí The Lancet Planetary Health (Sức khỏe hành tinh Lancet) công bố năm 2017 với 499 lần trích dẫn.

Phó Giáo sư ngành Y 35 tuổi với bộ sưu tập gần 60 bài báo khoa học quốc tế ảnh 2

Theo PGS.TS Trần Ngọc Đăng: “Y khoa được xem như một ngành khoa học và nghệ thuật, muốn thành công, phải là một “nghệ sĩ” được trang bị bởi kiến thức khoa học. Người làm nghiên cứu phải “dám nghĩ, dám làm”, nếu ý tưởng càng bị chê thì càng nên theo đuổi, bởi ý tưởng đó mới, chưa ai nghĩ đến”.

Anh cũng nhấn mạnh, việc hợp tác trong khoa học y khoa, sự kết nối giữa các tài năng trẻ là rất cần thiết để giải quyết các vấn đề phức tạp, nan giải. Khi có sự liên kết và hỗ trợ từ những nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực liên quan, đề tài khoa học sẽ đủ tầm giải quyết các vấn đề lớn mang tính thực tiễn.

Chính vì vậy, khi trở về nước, anh Đăng luôn tự nhủ, mình phải là một cánh tay “nối dài” hành trình nghiên cứu khoa học cho các bạn sinh viên thế hệ sau.

“Muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu lâu dài, bạn trẻ hãy tự đặt cho mình 5 câu hỏi sau để xác định vai trò, trách nhiệm trước sự kỳ vọng của xã hội: Nghiên cứu có khả thi không? Nghiên cứu có thú vị, đáng cho bản thân “mất ăn mất ngủ” không? Nghiên cứu có tính đạo đức, có gây hại gì cho bệnh nhân không? Nghiên cứu có tính ứng dụng như thế nào?”, anh Đăng cho biết.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.