Tự làm khó mình
Trải qua chặng đường hơn 10 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực Công nghệ Vật liệu mới, tiến sĩ Trần Thị Như Hoa nhận định, để có được thành công, mình phải tự làm khó mình trước.
Nhận được giải thưởng cao quý trong giới khoa học ở tuổi 33, chị Hoa ngần ngại khi nhắc về lực học của mình khi xưa: học tốt môn Toán nhưng lại kém Văn và tiếng Anh. Trong khi, muốn nghiên cứu khoa học, chị bắt buộc phải thông thạo tiếng Anh và cách truyền tải kiến thức khoa học thông qua viết lách.
Nhờ thế mạnh về môn Toán nên chị được mẹ tư vấn rồi quyết định lựa chọn học khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh.
Như Hoa không tự tin về khả năng của mình trước khi nhận đề tài nghiên cứu, nhưng vẫn mạnh dạn thử sức để khám phá giới hạn của bản thân. Chính từ nhiệm vụ nghiên cứu đề tài khoa học khó mà thầy cô giao cho, chị ngày càng có sự tò mò và ham muốn tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này. Đến năm 3 đại học, chị mới bắt đầu trau dồi cách dùng từ ngữ, câu văn, học thêm ngoại ngữ để phục vụ cho việc nghiên cứu sau này.
Năm 2015, chị Hoa nhận học bổng nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc và nhận bằng tiến sĩ sau 3 năm. Mục đích chính của chị khi chọn học nghiên cứu sinh đó là tìm được người thầy, giúp mình tìm ra hướng nghiên cứu sâu hơn của ngành Công nghệ Vật liệu mới có thể ứng dụng được về Việt Nam.
Song song với việc nghiên cứu, chị còn đảm nhận vai trò Phó Trưởng ban khoa học Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK) từ năm 2017 - 2019 để tổ chức thường niên Hội thảo nhà khoa học trẻ Việt Nam (Annual Conference of Vietnamese Young Scientists - ACVYS).
Làm việc tại ĐH Gachon (Hàn Quốc) một thời gian, TS. Trần Thị Như Hoa (SN 1989) quyết định trở về Việt Nam làm giảng viên khoa Khoa học - Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Về Việt Nam, chị tiếp tục tập trung nghiên cứu chính về vật liệu quang học, cảm biến và ứng dụng (O&S). Mục tiêu của O&S là mô phỏng kết hợp nghiên cứu thực nghiệm để đề xuất các quy trình cho công nghệ sản xuất cảm biến dựa trên tính chất plasmonic của vật liệu. Cảm biến quang học sử dụng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt với nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau như vật lý, hóa học, sinh học và y dược, đặc biệt là trong lĩnh vực chẩn đoán bệnh.
Đặc biệt, chị Hoa cùng nhóm nghiên cứu phát triển các cảm biến quang học có độ nhạy cao, độ tái lập tốt, tính đặc hiệu, thời gian phản hồi nhanh để có cơ sở mở ra một hướng mới với các nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong lĩnh vực Y-Sinh.
Nhà khoa học nữ bền bỉ
Hơn 10 năm bén duyên với khoa học, chị Hoa khẳng định, đây quả là một hành trình gian lao với chuỗi ngày "ăn ngủ" bên phòng thí nghiệm. Nếu gặp các thí nghiệm với thời gian tổng hợp và phân tích lâu, chị sẽ cùng thức đêm với "chúng". Những áp lực thường xuyên đến với chị từ việc theo dõi, tìm tài liệu bổ sung kiến thức. Bởi đa số tài liệu đều nằm trong sách tiếng Anh và các tạp chí chuyên ngành kỹ thuật có từ ngữ hoàn toàn mới mẻ về mảng nghiên cứu mới.
TS. Hoa tâm sự, nếu ai không hiểu về nghiên cứu sẽ chỉ nghĩ rằng, nghiên cứu là khổ, suốt ngày vào phòng thí nghiệm, đọc tài liệu giống "mọt sách", rồi đo đạc, giải thích kết quả... Nhưng với tôi, đằng sau đó là các phát minh, sáng kiến vô cùng sáng tạo có ý nghĩa thực tiễn cao. Hơn nữa, đó còn là kết quả của sự kiên trì, bền bỉ, tinh thần lạc quan của một người phụ nữ làm khoa học", nữ tiến sĩ 8x chia sẻ.
Sau những giờ nghiên cứu miệt mài trong phòng thí nghiệm, chị Hoa cũng trăn trở về nhiệm vụ "chăm sóc, giữ lửa" hạnh phúc gia đình bởi thời gian hạn chế. Tuy nhiên, khi các nghiên cứu của chị nhận được sự quan tâm, tài trợ từ Đại học Quốc gia TP.HCM đã tiếp thêm động lực để chị tìm cách cân bằng, duy trì tốt nhiệm vụ làm vợ, làm cô giáo và làm nhà khoa học.
Bên cạnh đó, TS. Hoa luôn đảm bảo tốt nhiệm vụ giảng dạy để truyền lửa đam mê khoa học cho những thế hệ sau. Theo chị, ngành Công nghệ Vật liệu mới vốn đặc thù với khối lượng kiến thức đồ sộ, khó hình dung, chú trọng các kiến thức về quy trình, công nghệ hoặc nguyên lý hoạt động máy móc thiết bị. Vì vậy, giáo án giảng dạy luôn được nữ TS trẻ bổ sung, thay đổi thường xuyên để giúp sinh viên tiếp thu một cách hiệu quả nhất. Vì thế, mỗi khi nhắc về “cô giáo Như Hoa”, các thế hệ học trò của chị lại nhớ đến biệt danh “Rùa con - con Rùa” - ý nói một cô giáo khó tính, cẩn thận và tận tâm.
Từ sự nỗ lực bền bỉ trong nghiên cứu khoa học, TS. Trần Thị Như Hoa đã được vinh danh và nhận giải thưởng KHCN Quả Cầu Vàng 2022. Chị trào dâng cảm xúc bày tỏ: "Giải thưởng KHCN Quả Cầu Vàng là chất "xúc tác" cho tôi trong hành trình nghiên cứu khoa học phía trước. Tôi tin và khẳng định, bản thân sẽ làm tốt vai trò, nhiệm vụ của một nhà nghiên cứu trước kỳ vọng của xã hội để xứng đáng với giải thưởng cao quý này".
Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng là phần thưởng cao quý của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho các tài năng trẻ có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, làm việc ở trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; Công nghệ y – dược; Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường và Công nghệ vật liệu mới.