Đó là chia sẻ của TS Trương Thanh Tùng (SN 1989), Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, khoa Dược, Đại học Phenikaa (Hà Nội), Top 20 đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022 ở lĩnh vực Nghiên cứu khoa học.
Bảo vệ sức khỏe người dân là ưu tiên hàng đầu
Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, không giống như nhiều người bạn học xong trở thành trình dược viên, kinh doanh, phân phối thuốc với nguồn thu nhập hấp dẫn, Trương Thanh Tùng quyết định theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Anh tiếp tục học tập, làm việc tại nhiều quốc gia, như: Hàn Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Anh, Mỹ…
Ban đầu anh lên đường du học Thạc sĩ tại ĐH Quốc gia Seoul- Hàn Quốc; sau đó nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đan Mạch, sang Mỹ làm trợ lý giáo sư tại Đại học Pittsburgh nhằm mở mang tầm nhìn, hiểu biết về nền khoa học thế giới. Trải qua 8 năm học tập, làm việc tại nhiều quốc gia, cuối năm 2019, anh quyết định trở về Việt Nam, bỏ mặc những lời mời làm việc với mức đãi ngộ hấp dẫn ở nhiều quốc gia.
“Ngày tôi quyết định trở về Việt Nam, GS Peter Wipf (ĐH Pittsburgh - Mỹ) đã gặp riêng tôi nói chuyện. Ông nói, nếu tôi ở lại Mỹ nghiên cứu 3-5 năm thì có thể trở thành Phó Giáo sư nghiên cứu và việc xin thẻ xanh, định cư tại Mỹ là điều dễ dàng trong tầm tay”, TS Tùng kể.
“Chúng tôi rất có niềm tin vào nhóm nghiên cứu của TS Trương Thanh Tùng và hỗ trợ để tiến tới phát triển sản phẩm thuốc đưa vào sử dụng thực tế. Chúng tôi cũng khuyến khích các em sinh viên tham gia nhóm nghiên cứu của TS Tùng. Bởi làm việc với thầy giáo nhiệt huyết như vậy thì các em được truyền cảm hứng, vượt qua thử thách để gặt hái thành công”.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phenikaa
Đến nay, TS Tùng vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với GS Peter Wipf. Mỗi khi anh có bài báo khoa học, thành tựu nào nổi bật, ông đều đăng lên mạng xã hội Twitter đầy tự hào.
“Về nước tôi có nhiều cơ hội làm việc ở những môi trường thân quen, được giao đề tài, kinh phí thực hiện, nhưng không có thử thách thì không có động lực để phấn đấu. Cái tôi ưu tiên lựa chọn hàng đầu là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân chứ không phải tiền”, TS Trương Thanh Tùng cho hay.
Anh đã chọn Đại học Phenikaa làm điểm dừng tại Việt Nam, lập ra nhóm nghiên cứu thuốc mới do anh làm trưởng nhóm.
Tiên phong nghiên cứu tổng hợp thuốc
TS Trương Thanh Tùng và nhóm nghiên cứu là những người đầu tiên đi theo con đường tổng hợp thuốc. “Khát vọng lớn nhất của tôi và nhóm nghiên cứu là trong tương lai Việt Nam sẽ làm chủ hoàn toàn quy trình từ nghiên cứu, phát triển, tổng hợp sản xuất được các loại thuốc. Nước ngoài sẽ phải đến đất nước chúng ta để mua bản quyền sản xuất thuốc”, TS Tùng chia sẻ.
Theo TS Tùng, hiện trên thế giới, nhiều công ty dược và nhóm nghiên cứu chủ yếu tập trung vào những căn bệnh mang lại nguồn lợi kinh tế lớn như ung thư, Alzheimer, đái tháo đường,… không đầu tư nhiều cho các bệnh truyền nhiễm. Hậu quả là thế giới không kịp trở tay khi đại dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19, Ebola… bùng phát. Nhóm nghiên cứu của TS Trương Thanh Tùng được xem là nhóm nghiên cứu duy nhất tại Việt Nam đi theo hướng “quorum sensing” để tìm thuốc mới thay thế kháng sinh.
TS Trương Thanh Tùng, Đại học Phenikaa (Hà Nội) hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: Lưu Trinh |
TS Tùng và nhóm đã có 10 công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế nghiên cứu các chất mới thay thế kháng sinh. Các chất mới đã mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân đa kháng thuốc (kháng kháng sinh) theo hướng ức chế quorum sensing đầu tiên tại Việt Nam; hứa hẹn sớm có các sản phẩm thuốc “Make in Vietnam”. Đáng chú ý, năm 2022, anh và nhóm có công trình mang dấu ấn quốc tế về nghiên cứu thuốc điều trị HIV mới với tiềm năng áp dụng cho lâm sàng, được thế giới đánh giá rất cao.
Trước đó, vào năm 2014, TS Trương Thanh Tùng được Tổ chức sáng chế châu Âu (EPC) cấp bằng sáng chế quốc tế khi tìm ra dẫn chất benzothiazole có khả năng điều trị ung thư trúng đích. Hiện nhóm nghiên cứu của anh đang phát triển dẫn chất benzothiazole thành thuốc điều trị.
Người Việt đầu tiên tham gia Hiệp hội Sigma Xi
Tháng 11/2022, TS Trương Thanh Tùng là nhà khoa học trẻ (ngoài Mỹ) đầu tiên của Việt Nam được hội đồng quốc tế bầu trực tiếp là thành viên chính thức của Hiệp hội khoa học nghiên cứu quốc tế danh giá Sigma Xi. Sigma Xi là một trong những hiệp hội khoa học nghiên cứu lâu đời và uy tín nhất thế giới, được thành lập vào năm 1886, có trụ sở tại Mỹ. Trong suốt 136 năm lịch sử, Hiệp hội đã có hơn 200 thành viên đạt giải thưởng Nobel, bao gồm các nhà khoa học nổi tiếng như: Albert Einstein, James Watson...
Năm 2022, TS Trương Thanh Tùng xuất sắc vượt qua hơn 2.000 hồ sơ, được bầu chọn là 1 trong 28 nhà khoa học trẻ tiêu biểu thế giới. Hiện anh là thành viên hội đồng biên tập của 6 tạp chí quốc tế ISI, tham gia phản biện cho 20 tạp chí top đầu của hệ thống các nhà xuất bản trên thế giới… Anh đang sở hữu hơn 40 công bố khoa học quốc tế.
Ở Việt Nam, anh đảm nhận nhiều nhiệm vụ, như: Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới; Bí thư Liên chi đoàn khoa. Mỗi năm phải tham gia giảng dạy hơn 1.000 giờ nhưng năm nào anh cũng vượt gấp đôi… Với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, thời gian nào dành cho bản thân và gia đình? “Nhờ được rèn luyện trong môi trường nghiên cứu khoa học nên tôi vẫn sắp xếp được thời gian cho gia đình, vợ con”, anh nói.
“Tôi biết con đường mình đang đi còn nhiều chông gai, thử thách. Có thể 5 năm, 10 năm, 20 năm hay nhiều năm sau nữa mới đạt được mục tiêu đặt ra, nhưng tôi tin mình sẽ để lại thành tựu, sản phẩm giá trị cho đời”,TS Tùng tự tin.