Sáng chế phục vụ y học
Tiến sĩ Lê Thị Phương (SN 1988) - Nghiên cứu viên Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được biết đến với hướng nghiên cứu chính là phát triển các vật liệu mới, có tính tương hợp sinh học cao và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn so với các phương pháp truyền thống.
Cụ thể, nữ tiến sĩ nghiên cứu hydrogel tiêm tại chỗ - một loại vật liệu tiên tiến đang được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng y sinh như chữa lành vết thương, tái tạo mô, giúp nâng cao sức khỏe của bệnh nhân ngay tại nhà. Ngoài ra, cô cải tiến thêm các thành phần, tính chất khác cho hydrogel như khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm sự hình thành sẹo... hướng đến tạo ra sản phẩm thương mại có giá thành hợp lý để tiếp cận với mọi đối tượng bệnh nhân.
Trong 2 bằng sáng chế quốc tế, TS. Phương nghiên cứu về hydrogel tiêm tại chỗ sử dụng các loại cyclodextrin tạo cho gel có tính kết dính cao và các ứng dụng y sinh của hydroge. Với sáng chế quốc tế thứ 2, nữ tiến sĩ trẻ phát triển phương pháp mới để biến tính bề mặt các thiết bị hỗ trợ bệnh tim mạch với heparin, xúc tác sản sinh nitric oxide trong cơ thể, từ đó làm giảm nguy cơ gây nghẽn tắc mạch máu.
Để hoàn thành nghiên cứu và đăng ký sở hữu trí tuệ, TS. Phương may mắn nhận được nhiều góp ý từ giáo sư và cộng sự trong quá trình làm việc tại Hàn Quốc.
Nữ tiến sĩ cho biết thêm: "Trong giai đoạn gửi hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ, công trình nghiên cứu của tôi không phải chỉnh sửa quá nhiều bởi đã nêu ra được tính mới mà trước giờ chưa có nghiên cứu nào công bố.
Điều quan trọng hơn, công trình phải có ý nghĩa thực tiễn cao, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt khi so sánh với các phương pháp trước đó.
Hơn nữa, bất kỳ bằng sáng chế nào cũng phải thông qua sự xem xét kỹ lưỡng của đội ngũ luật sư có kiến thức trong lĩnh vực chuyên môn trước khi được chấp nhận đăng ký sở hữu trí tuệ".
Hiện nay, 2 bằng sáng chế quốc tế của TS. Phương đang ở trong giai đoạn đăng ký sở hữu trí tuệ; riêng một số sản phẩm đang được xúc tiến thử nghiệm trên nhiều mô hình động vật khác nhau để tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người. Cô hy vọng, trong tương lai sẽ sớm áp dụng các sáng chế này để tạo ra các sản phẩm thương mại đóng góp cho lợi ích chung của cộng đồng.
Bên cạnh đó, TS. Phương cũng có 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia đã đăng ký tại Hàn Quốc, tập trung nghiên cứu vào các loại hydrogel với các đặc tính mới ứng dụng cho nhiều loại bệnh lý khác nhau. Trong số đó, công trình nghiên cứu hydrogel đa chức năng (kháng khuẩn, thúc đẩy quá trình biệt hóa xương) ứng dụng trong điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp) là nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực hydrogel tiêm không sử dụng H2O2 và cho nhiều tác dụng hiệp lực cho hệ hydrogel tạo thành bởi xúc tác enzyme HRP.
Cô vinh dự được nhận giải thưởng thưởng dành cho nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu nổi bật của Hiệp hội Vật liệu Sinh học Hàn Quốc năm 2021.
"Những kết quả nêu trên của tôi vẫn rất nhỏ bé so với nhiều nhà khoa học khác trong và ngoài nước. Nhưng tôi tin, bằng sức trẻ và niềm đam mê nghiên cứu khoa học, tôi sẽ tiếp thu, học hỏi thêm nữa để hoàn thiện và phát triển các công trình nghiên cứu của mình trong lĩnh vực Công nghệ Vật liệu mới", TS. Phương bày tỏ.
"Dấn thân" vào khoa học dù từng không được bố mẹ ủng hộ
Trước đây, TS. Phương học ngành Kỹ thuật Hóa học của Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM để theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học. Càng học, cô càng thấy hăng say hơn và dần nung nấu ý định sẽ tìm cơ hội ra nước ngoài phát triển bản thân. Tuy nhiên, bố mẹ của cô cũng như nhiều phụ huynh khác đều có tâm lý sợ con vất vả nên định hướng đến các công việc nhẹ nhàng và phù hợp với phụ nữ hơn như giáo viên, công việc văn phòng… hơn là khối các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ.
"Giai đoạn này, tôi không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình vì chẳng cha mẹ nào mong muốn con gái bước vào hành trình khó khăn, chông gai như vậy cả. Nhiều khi, bố mẹ cũng nói: "Con gái gì mà ngang ngược, sau này khổ đừng về ăn vạ bố mẹ..."
Tuy nhiên, tôi vẫn giữ vững lập trường của bản thân và quyết định chứng minh cho gia đình, mọi người thấy phụ nữ cũng có thể làm được nhiều điều lớn lao hơn cả", tiến sĩ 8x nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô lựa chọn làm việc ở Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) để tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân. Nỗ lực trong 2 năm làm việc ở Viện, Phương có cơ hội đến Hàn Quốc để làm nghiên cứu sinh ở ĐH Ajou.
10 năm nghiên cứu và làm việc ở Hàn Quốc, TS. Phương thừa nhận, đây là một chặng đường không ngắn và phải đánh đổi rất nhiều thứ. Giai đoạn khó khăn và khốc liệt nhất với cô đó là trong 5 năm đầu tiên khi phải làm quen môi trường sống mới, phong cách làm việc mới ở Hàn Quốc - một trong những nơi có môi trường làm việc khắc nghiệt nhất thế giới.
Những năm tiếp theo, nữ tiến sĩ đã dần quen với môi trường sống và đảm nhận công việc của một Post-doctor. Khi đã có được nhiều thành tựu, bài báo khoa học, công trình nghiên cứu được đăng ký bằng sáng chế, sở hữu quốc gia/quốc tế, TS. Phương quyết định về Việt Nam để tiếp tục hành trình của mình qua việc truyền đạt kiến thức, đam mê nghiên cứu khoa học cho các bạn sinh viên trẻ.
Trên giảng đường Đại học, TS. Phương luôn dành một khoảng thời gian để định hướng cho các bạn sinh viên khi xác định dấn thân vào khoa học, kỹ năng tìm và chọn lọc thông tin một cách thông minh, nhanh chóng. Nữ giảng viên cho rằng, trong thời kì thế giới phẳng như ngày nay, kiến thức chuyên môn và tài liệu đã dễ dàng tiếp cận từ mọi nơi, quan trọng là người làm khoa học cần có sự cống hiến hết mình.
"Khoa học chân chính được đánh giá trên nhiều phương diện, từ giữ được liêm chính khoa học, giữ đạo đức hành nghề đến đánh đổi thời gian, tuổi trẻ, tình cảm, sức khỏe... Trong những yếu tố đó, tôi nghĩ "sức khỏe" và "tình cảm" gây nhiều cản trở với nữ khoa học gia hơn", TS. Lê Thị Phương nhận định.
Hiện tại, TS. Phương chưa lập gia đình riêng nên cô vẫn dành toàn thời gian cho nghiên cứu khoa học. Mặc dù bị bố mẹ giục hằng ngày nhưng nữ tiến sĩ nói vui, việc lập gia đình cũng như làm khoa học, nên tìm hiểu kỹ và cần thêm chút “duyên”, chút may mắn.