Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Hà Nội: 'Khi đặt bút ký vấn đề gì đó, rất suy nghĩ'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Chúng tôi đang phải đối diện với câu chuyện đáng buồn, khi đặt bút ký vấn đề gì đó, rất suy nghĩ”, bà Lê Anh Thư, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Hà Nội nói và chia sẻ, cơ chế đặc thù có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho một tình huống nào đó nhưng lại gây nguy hiểm cho các lãnh đạo quản lý.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Hà Nội: 'Khi đặt bút ký vấn đề gì đó, rất suy nghĩ' ảnh 1

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng KTNN,

Sáng 21/12, Kiểm toán nhà nước tổ chức Hội thảo hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra đối với Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng KTNN, đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia, là nguồn lực quý giá nếu được quản lý và sử dụng hiệu quả sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn hạn chế, văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất.

Đáng lưu ý, chất lượng quy hoạch còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững; việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa tuân thủ các quy định…

Những năm qua, KTNN đã tiếp tục đi sâu vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế. Trong đó công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

“KTNN đã và đang thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề về đất đai. Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị về việc tuân thủ quy định pháp luật, KTNN đã phát hiện các hạn chế, vướng mắc, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đai và kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Hà Nội: 'Khi đặt bút ký vấn đề gì đó, rất suy nghĩ' ảnh 2

Bà Lê Anh Thư, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội

Đề cập đến công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, bà Lê Anh Thư, Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, Hà Nội là thành phố trực thuộc trung ương, công tác quản lý về đất đai phải bám sát, có sự phối hợp chặt chẽ để đưa ra những giải pháp tốt nhất.

Theo bà Thư, quản lý đất đai tại Sở TN&MT không chỉ bằng văn bản, có khi phải mời cả chuyên gia về trực tiếp làm việc trong từng trường hợp cụ thể cần phải tháo gỡ, bởi có những trường hợp buộc phải giải quyết theo tình thế, cơ chế đặc thù chung. Tuy nhiên, cơ chế đặc thù có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho một tình huống nào đó nhưng lại gây nguy hiểm cho các đồng chí lãnh đạo quản lý.

“Chúng tôi đang phải đối diện với câu chuyện đáng buồn, khi đặt bút ký vấn đề gì đó, rất suy nghĩ. Trước đây lãnh đạo làm việc, trước nhiệm vụ của mình, phải rất dũng cảm. Cả ngày đi họp về, đến chiều về cơ quan làm việc, đọc hồ sơ như chuyên viên.

Lãnh đạo đặt bút ký phải tin tưởng vào anh em, cấp dưới của mình nhưng thời gian qua, có rất nhiều trường hợp lãnh đạo phải đối diện với nhiều câu chuyện đáng buồn, do hậu quả không riêng gì khách quan mà còn từ yếu tố chủ quan”, trong quản lý đất đai, bà Thư rất mong sự thông cảm, thấu hiểu của các cơ quan ban ngành, nhất là các cơ quan kiểm toán, thanh tra Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm giám sát.

Đại diện Sở TN&MT cho rằng, cần kiến nghị Quốc hội xem xét sửa Luật Nhà ở đảm bảo có sự thống nhất về đối tượng, dự án thực hiện quy định trong các điều của Luật Đất đai và với Luật Đầu tư, Đấu thầu, Nhà ở để trong quá trình thực hiện không có nhiều cách hiểu khác nhau. Đồng thời, sửa đổi Luật Đất đai, bổ sung quy định chế tài thực hiện đối với diện tích còn lại không có khả năng thực hiện việc thỏa thuận nhận chuyển nhượng…

Trong khi đó, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên – Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, KTNN cần chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm, từng cuộc kiểm toán liên quan đến lĩnh vực đất đai, xác định mục tiêu kiểm toán phù hợp, sát với yêu cầu thực tiễn cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng.

MỚI - NÓNG