Dựa trên tiểu thuyết được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật Con đường xuyên rừng của nhà văn Lê Văn Thảo, kịch bản phim do Văn Lê chuyển thể, xoay quanh một nhóm người đủ thành phần bộ đội, lính thông tin, cán bộ tuyên huấn, nhà văn, văn công. Gặp trận càn ác liệt, giao liên tan tác chạy, nhóm người tụ nhau tìm đường thoát khỏi cánh rừng và đám lính Mỹ truy đuổi gắt gao cả trên không lẫn đường bộ.
Không chủ trương đi theo các trận đánh với bộ đội chủ lực, nhưng phim cũng cho thấy không khí chiến tranh đậm đặc ác liệt trong chiến dịch Junction City. Trực thăng gầm rú, bom đốt cháy những khoảnh rừng, từng toán lính biệt kích và quân Mỹ đóng quân gần như bao vây bìa rừng. Chết chóc, thương vong lúc thì trực tiếp người trúng đạn, khi gián tiếp qua con mắt của nhóm người chứng kiến một cụm dân trúng bom chết la liệt, cháy xém. Hình ảnh bom đạn không bị lạm dụng, tạo cảm giác khá thật. Đôi chỗ, cảm xúc e dè, sợ chết của con người trong cuộc chiến cũng được khai thác đời hơn.
Phim hướng đến những con người, thân phận trong cuộc chạy càn. Đó là Vinh, bộ đội chủ lực, được cử đi học sĩ quan cao cấp, được cả nhóm tín nhiệm làm chỉ huy bất đắc dĩ vượt rừng. Mô típ nảy sinh tình cảm giữa bộ đội và cô văn công Thu Hà trong phim này, khá giống với nhiều phim khác, mới đây là Những người viết huyền thoại. Tình cảm của họ trên màn ảnh cũng có chút hờn giận, ghen tuông, nhưng chưa vượt qua ngưỡng trong sáng, cùng lắm là dám nắm tay hay một cái ôm. Phim này cũng lại không thiếu cảnh tắm suối, để nữ nhân vật khoe làn da trắng mịn lấp ló dưới nước.
Trương Thế Vinh được chọn cho vai Vinh, Tăng Huỳnh Như được đạo diễn tin tưởng giao cho vai Thu Hà, vì cho rằng ra dáng diễn viên múa, cao ráo trắng trẻo. Tiếc là cô cũng chỉ được có thế. Vinh được đẩy lên là nhân vật chính, linh hồn của đoàn người và của phim, nhưng tình huống phim không cho cậu bộc lộ điều đó. Vinh được xây dựng mờ nhạt, tính cách được minh họa bằng hồi ức, lời nhận xét của người khác là chủ yếu. Khán giả không thấy ở Vinh chất của một bộ đội chủ lực, dạn dày kinh nghiệm. Một vài nhân vật phụ như ông Tư Nghệ, Chín Nếp, bà Tư có kinh nghiệm diễn xuất hơn.
Nghe đạo diễn nói thời gian thực hiện khá gấp gáp, phải chăng lại một lí do để bao biện cho những thất bại trong phim? Bệnh của nhiều người làm phim nước ta là sợ khán giả không hiểu, cái gì cũng phải nói rốt ráo. Đoạn thoại của ông Tư Nghệ giảng giải cho ông nhà văn Chín Nếp về các thành phần của Ban tuyên huấn Trung ương Cục chẳng hạn. Hoặc rõ là đang làm phim về chiến tranh, nhưng nhân vật thoại với nhau không quên chua “chiến tranh mà”, “chiến tranh không nói chuyện chết chóc thì nói chuyện gì”. Từ đầu chí cuối thoại không ngớt, nhiều khi khán giả theo đến hụt hơi.
Đạo diễn Xuân Cường được cho là có tiếng trong giới làm phim truyền hình. Người xem có cảm giác đây là một tập phim truyền hình hơn là tác phẩm điện ảnh. Xem phim xong có người nói, nếu cắt ra thành từng đoạn cũng có những chỗ không tệ, xâu chuỗi lại thành ra vụn vặt. Những câu chuyện, mảnh đời rời rạc, thiếu sợi dây gắn kết trên màn ảnh, dù trên phim họ cùng xuyên rừng đấy chứ. Cốt truyện, tình tiết trong tiểu thuyết chắc cũng không đến mức thiếu chất liệu để làm phim.
Trong lời giới thiệu của BTC đợt chiếu phim kỷ niệm, bộ phim được cho là nhân văn, sâu sắc mà sao tình cảm đồng đội, tình yêu vẫn khá lòa nhòa. Kết phim cũng tạo cảm giác khá đáng tiếc. Giá mà đạo diễn không tham, cố để cô văn công Thu Hà quay lại màn ảnh. Có mất mát, có hình ảnh cánh dù trắng bay qua lửa đạn an toàn, thế là vừa vặn.