Chiến tranh Việt Nam nhìn từ hai phía

Đạo diễn Minh Chuyên (đứng) và các cựu binh Mỹ trong đó có Wayne Kalin (bìa phải). Ảnh: NVCC.
Đạo diễn Minh Chuyên (đứng) và các cựu binh Mỹ trong đó có Wayne Kalin (bìa phải). Ảnh: NVCC.
TP - “Phim này có sự khách quan, trung thực hơn về chiến tranh Việt Nam”, đạo diễn Minh Chuyên nói về phim tài liệu Ký ức chiến tranh-nhìn từ hai phía, đang phát 7h30 trên VTV1.

Góc nhìn người Mỹ

Gặp tác giả kịch bản, đạo diễn Minh Chuyên, phóng viên đặt ngay câu hỏi phim này khác gì những phim tài liệu chiến tranh trước đó. “Phim thể hiện trung thực hơn Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các trận đánh, chiến dịch được cả bên thắng trận và bại trận nhìn nhận. Hình ảnh lính Mỹ, người Mỹ xuất hiện trên chiến trường nhiều hơn quân giải phóng”.

Ngay từ tập đầu Mưu đồ người Mỹ, hình ảnh lính Mỹ tại chiến trường ngồn ngộn. Đạo diễn kể đợt sang Mỹ năm ngoái, ông nhận hơn nghìn phút tư liệu do cựu binh Mỹ cung cấp. Cùng với nhiều nguồn tư liệu khác, đạo diễn dựng nên 25 tập phim. Dự kiến ban đầu 50 tập nhưng gấp quá nên tư liệu đã quay đành để dịp khác.

Hơn ba năm chuẩn bị, chính thức dồn lực từ tháng 6/2014, Minh Chuyên ghi nhận gần 200 ý kiến của người Mỹ là cựu binh, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, chuyên gia và cố vấn quân sự Mỹ, chính quyền Việt Nam cộng hòa. Mỗi tập có khoảng ba ý kiến từ phía Mỹ, cũng được xem là nỗ lực nhìn nhận cuộc chiến sau hơn 40 năm khách quan hơn.

GS. sử học Paul Atwood, Cựu Giám đốc Trung tâm William Joiner  thừa nhận: “Tôi đã thấy tội ác ở Việt Nam. Những gì chính quyền chúng tôi nói là dối trá, số lượng binh lính chết không đúng”. Không riêng Paul Atwood, nhiều cựu binh khác từng bỏ ngũ, tham gia phong trào phản chiến ở Mỹ.

Wayne Karlin từ một cựu binh trở thành người bạn thân thiết của văn giới Việt Nam, tác giả cuốn sách cảm động Linh hồn Việt cộng. Có thể kể ra nhiều cái tên quen thuộc từng là cựu binh, sau này trở thành nhà thơ, nhà văn viết sách phản đối chiến tranh, viết về thân phận con người trong cuộc chiến- như Bruce Weigl, Kevin Bowen.

Không chỉ dừng lại ở những lời kể, thừa nhận sai lầm của người Mỹ ở Việt Nam, người lính hai chiến tuyến đưa ra nhận định khác nhau về nhiều chiến dịch. Đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nói: “Trên chiến trường mình cũng chịu tổn thất lớn, nhưng chúng ta đánh bại ý chí xâm lược của quân Mỹ”, đạo diễn nói.

Cựu binh Preton Wood (tiểu bang Maine) lên tiếng: “Bên cạnh thành công, Quân giải phóng cũng mắc sai lầm trong kế hoạch tác chiến. Họ đánh giá không đúng tình hình, nhận định thấp về đối phương, không lường hết sức mạnh của vũ khí mới. Mặt khác Quân giải phóng có lí do cho rằng Mậu Thân là thắng lợi-đánh bại ý chí xâm lược bắt người Mỹ phải xuống thang, chuẩn bị rút quân”.

Giảm tông

Trong 25 tập, đạo diễn tâm đắc nhất hai tập Trận đánh không cân sức, Những anh hùng ở lại Khâm Đức. Ông lý giải sự khốc liệt chỉ là một phần, quan trọng hơn là tính chân thực. Các nhà làm phim đưa những cựu binh còn sống sót vào lại Khâm Đức quay phim, đồng thời tái hiện ký ức bằng những thước phim do cựu binh Christopher Jensen quay được tại chiến trường Khâm Đức. Hình ảnh chiến trường thời chiến, con người thời bình đan xen tạo nên câu chuyện xúc động, chân thực.

Nhiều hình ảnh đã được làm mờ, song người xem không khó nhận ra quang cảnh tang thương. Đạo diễn kể, ông cho nhiều gia đình xem cảnh quân ta hy sinh, họ nhận ra người thân và gục xuống khóc ngất, đến khi dựng phim đành phải bỏ. Trong sêri phim này cũng có tập Mỹ Lai-một ngày đau thương. Các nhà làm phim chọn cách tiếp cận, dựng lại câu chuyện qua lời kể của một phụ nữ may mắn còn sống, sáu người thân bị sát hại. Đây cũng là một trong những lí do phim được chọn phát sóng khung giờ sáng, thay vì chiếu khung giờ vàng buổi tối, dễ gây ám ảnh về chết chóc.

Phim có sự tư vấn xuyên suốt của Đại tướng Lê Văn Dũng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước ở chiến trường Tây Nguyên, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu ở chiến trường Quảng Trị. Rong ruổi 5 bang nước Mỹ, và nhiều tỉnh thành trong nước, đạo diễn nói rằng may mắn có sự trợ giúp của những người Mỹ nhiệt tình, người bạn Việt Nam tự nguyện theo đoàn làm phim.

“Quan điểm của tôi là làm một bộ phim thiên về lành tính, không đặt nặng lên án chiến tranh”. Trong phim này, cách nhìn, lời bình không dùng những từ như thằng Mỹ, kẻ thù mà thay bằng người Mỹ, phía Mỹ, phía thua trận. Đạo diễn cũng nói, ông đã chứng kiến những gia đình cựu binh Mỹ, họ cũng chịu nỗi đau chất độc dioxin, con cái họ cũng mang nỗi đau da cam dai dẳng.

Trích nhiều ý kiến của người Mỹ, tướng lĩnh, quan chức Việt Nam cộng hòa, nhưng đạo diễn thừa nhận “chỉ sử dụng những ý kiến tương đối công bằng. Tôi không thể để cho kẻ bại trận xuất hiện trước công chúng Việt Nam để nói xấu quân đội ta”. Trong phim cũng ghi nhận những ý kiến như tướng Lê Minh Đảo (Quân lực Việt Nam cộng hòa) nói về sự đau thương khi chứng kiến đồng đội chết trận.

MỚI - NÓNG