Philippines chi 209 triệu USD mua tàu tuần tra có khả năng mang tên lửa của Israel

0:00 / 0:00
0:00
Tàu tuần tra nhanh Shaldag MK V có chiều dài tổng thể 32,65m, tốc độ tối đa trên 40hải lý/h. Ảnh: Israel Shipyards
Tàu tuần tra nhanh Shaldag MK V có chiều dài tổng thể 32,65m, tốc độ tối đa trên 40hải lý/h. Ảnh: Israel Shipyards
TPO - Thỏa thuận trị giá 209 triệu USD sẽ bao gồm hạng mục “chuyển giao kiến ​​thức để đóng tàu” và nâng cấp nhà máy đóng tàu, đào tạo và bảo trì.

Philippines sẽ mua các tàu tuần tra nhanh có khả năng mang tên lửa trong một thỏa thuận với Israel Shipyards, công ty đóng tàu của Israel.

Trong một thông cáo báo chí trong tháng này, Israel Shipyards thông báo rằng họ đã được nhận thầu cung cấp tàu Shaldag MK V cho một quốc gia Đông Á chưa được tiết lộ.

Tuy nhiên, Arsenio Andolong, một quan chức quốc phòng Philippines xác nhận rằng Israel Shipyards sẽ cung cấp cho nước này các tàu Shaldag Mk V với giá hợp đồng là 10 tỷ peso Philippines (209 triệu USD). Thỏa thuận sẽ bao gồm “chuyển giao kiến ​​thức để đóng tàu” và nâng cấp nhà máy đóng tàu, đào tạo và bảo trì.

Hồi tháng 2, Hải quân Philippines thông báo rằng họ đang muốn mua 9 tàu tuần tra nhanh của Israel - 5 trong số đó sẽ được sản xuất tại Israel và bàn giao vào năm 2022, 4 chiếc còn lại được đóng tại Philippines. nhằm thay thế các tàu lớp Tomas Batillo hiện tại của Hải quân Philippines.

Shaldag Mk V có chiều dài tổng thể 32,65m, với tốc độ tối đa trên 40 hải lý /h. Nó được chế tạo hoàn toàn bằng nhôm, nhẹ và nhanh, đã được chứng minh khả năng chiến đấu với trọng tải cao hơn và được thiết kế cho các nhiệm vụ an ninh hải quân. Israel Shipyards tuyên bố rằng sản phẩm của họ là "một lựa chọn hàng đầu được công nhận trong việc bảo vệ các vùng biển ven bờ và vùng đặc quyền kinh tế”.

Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục diễn ra, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói ông sẵn sàng triển khai các tàu quân sự đến Biển Đông để khẳng định yêu sách của nước này. Ông cũng nói sẽ không rút các tàu hải quân và tuần duyên tuần tra trong khu vực tranh chấp, khẳng định chủ quyền của đất nước là "không thể thỏa hiệp."

Đầu tháng này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Delfin N. Lorenzana cho biết nước này sẽ tiếp tục bảo vệ các khu vực đang có tranh chấp. “Cảnh sát biển Philippines và Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản của chúng tôi sẽ không ngừng tuần tra Biển Tây Philippines [cách người Philippines gọi Biển Đông]”, ông Lorenzana tuyên bố.

Shaldag Mk V là một tàu tuần tra được làm hoàn toàn bằng nhôm với lượng choán nước đầy tải 95 tấn và mớn nước 1,25 m. Tàu có thủy thủ đoàn 10 người, tốc độ tối đa đạt 40 hải lý (76km/h). Nếu di chuyển với tốc độ 12 hải lý/h, tàu có tầm hoạt động 1.000 hải lý. Nó có thể được trang bị hải pháo và bệ phóng tên lửa.

Theo tạp chí Quân sự châu Á, các tàu Shaldag Mk V đáp ứng yêu cầu của Hải quân Philippines về một phương tiện ngăn chặn tấn công nhanh có khả năng mang tên lửa (FAIC-M). Bộ Quốc phòng Philippines trước đó đã đưa ra thông báo hợp đồng với Israel Shipyards cho 8 nền tảng FAIC-M có khả năng mang tên lửa.

Hợp đồng này bao gồm việc nâng cấp các cơ sở của Hải quân Philippines, mặc dù các bên không tiết lộ loại tàu sẽ được cung cấp bởi Israel Shipyards. Một hợp đồng khác trị giá khoảng 79 triệu đô la Mỹ cũng đã được ký với hãng Rafael Advanced Defense Systems (Israel) để cung cấp hệ thống vũ khí trang bị cho các tàu mới. Rafael Advanced Defense Systems chính là công ty đã chế tạo hệ thống phòng thủ Vòm Sắt khét tiếng của Israel.

Israel Shipyards là một trong những cơ sở đóng và sửa chữa tàu lớn nhất ở phía đông Địa Trung Hải. Công ty cũng vận hành cảng thuộc sở hữu tư nhân đầu tiên và duy nhất ở Israel. Tính đến nay Israel Shipyards đã đóng 40 tàu tên lửa lớp Saar; 20 chiếc đã được chuyển giao cho Hải quân Israel.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.