Tờ The Star của Malaysia ngày 15/11 đưa tin, tên Mahmud Ahmad cùng những tên khác, vốn nằm trong danh sách truy nã của Malaysia và đang lẩn trốn ở Philippines, được xác định là những mục tiêu đang tìm cách triển khai kế hoạch táo tợn trên.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Star, Trợ lý Ủy viên cấp cao Ayob Khan Mydin Pitchay, người đứng đầu đơn vị chống khủng bố của Malaysia, cho biết Mahmud Ahmad cảm thấy không hài lòng với việc gia nhập nhóm Abu Sayyaf nên muốn thành lập một “nhánh” của IS tại Đông Nam Á.
“Tên Mahmud Ahmad đã thực hiện các lời thề trung thành trong một đoạn video song để thành lập được một nhánh của IS ở Đông Nam Á. Ahmad sẽ phải tới Syria và thề trước thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi của IS”.
“Chúng tôi có thông tin tình báo cho thấy tên Mahmud Ahmad đang ưu tiên triển khai kế hoạch đến Syria trong thời gian tới mà không bị các cơ quan an ninh bắt giữ”, ông Datuk Ayob cho biết thêm.
Cũng theo quan chức của Malaysia, nếu Mahmud Ahmad, hay còn được biết tới là Abu Handzalah, thành công trong việc tập hợp được các nhóm khủng bố, đây sẽ là mối đe dọa thực sự với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Cùng với nhóm Jemaah Islamiah và Abu Sayyaf, các nhóm khủng bố khác trong khu vực Đông Nam Á còn có Tanzim Al-Qaeda, Kumpulan Mujahidin Malaysia và Darul Islam Sabah.
Trong khi đó, chuyên gia về tội phạm P. Sundramoorthy trả lời trên tờThe Sunday Times của Malaysia cho rằng các nhóm phiến quân Malaysia đang tìm cách thành lập một mạng lưới khủng bố trong nước.
Phó Giáo sư Sundramoorthy, người đang giảng dạy tại Đại học Sains của Malaysia, cho rằng các nhóm phiến quân đang tìm cách vượt qua những “rào cản” về tôn giáo.
“Nhiều nhóm luôn ủng hộ IS vì lẽ phải của đạo Hồi song để làm được như vậy, IS đã gây ra nhiều vụ việc man rợ và đàn áp từ chính trị tới tôn giáo ở những nơi nhóm đó kiểm soát. Tuy nhiên, không may là tôn giáo đang được các nhóm khủng bố sử dụng để làm điểm tựa cho mọi động cơ hoạt động”, ông Sundramoorthy nhận xét.
Còn theo chuyên gia phân tích quân sự Jose Antonio Custodio của Philippines, các nhóm phiến quân ở Đông Nam Á lên kế hoạch kết nối với IS là một phương thức nhằm kêu gọi sự hỗ trợ tài chính và ủng hộ từ nước ngoài.
“Vấn đề đơn giản là tiền. Sau tất cả, những tên phiến quân cũng cần kinh phí để hoạt động. Tuy nhiên, tình hình ở các khu vực là khác nhau. Tại Syria, IS có thể nhân thời điểm cuộc xung đột để giành cơ hội. Còn tại Philippines, các nhóm phiến quân không có được điều chúng muốn”, ông Jose Antonio Custodio nhận định.
Để ngăn chặn sự phát triển của mạng lưới khủng bố như quy mô của IS hiện nay, Phó Giáo sư Sundramoorthy cần phải có các biện pháp giải quyết triệt để tận gốc rễ, bao gồm cả việc giải quyết những vấn đề bất công trong xã hội, nhằm ngăn chặn sự chia rẽ trong xã hội, vốn có thể dẫn tới những nguy cơ để chủ nghĩa khủng bố phát triển.
Hồi đầu năm nay, cảnh sát Malaysia đã phát hiện âm mưu của IS nhằm tấn công trụ sở các đại sứ quán Arập Xêút và Qatar ở thủ đô Kuala Lumpur.
Ngoài ra, cảnh sát Malaysia cũng bắt giữ và trục xuất năm công dân Maldives, bao gồm một nghi phạm có liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Maldives Abdulla Yameen.