Phát huy vai trò Công đoàn, người lao động trong xây dựng chính sách pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều 30/11, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Diễn đàn thảo luận về nội dung “Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức Công đoàn đảm bảo quyền lợi của người lao động”.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, trong những năm gần đây, việc phát huy vai trò NLĐ, đoàn viên công đoàn tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có bước chuyển mới.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng tham mưu, đề xuất tham gia xây dựng một số chính sách, pháp luật có lúc, có nơi chưa đáp ứng tốt nhất ý chí, nguyện vọng của NLĐ.

Phát huy vai trò Công đoàn, người lao động trong xây dựng chính sách pháp luật ảnh 1

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

Diễn đàn sẽ là dịp để chuyên gia và các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng trong hoạt động này.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận làm rõ các vấn đề cơ bản, đó là tầm quan trọng của việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và vai trò của Công đoàn trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sức lan tỏa, hấp dẫn đối với NLĐ. Đặc biệt, Công đoàn cần kiên trì đeo bám vấn đề đến cùng, quan trọng là phải có ý kiến trao đổi lại khi cơ quan soạn thảo tiếp thu giải trình.

TS. Bùi Sỹ Lợi cũng đưa ra một số kỹ năng cơ bản của Công đoàn, đoàn viên tham gia xây dựng chính sách pháp luật. Đó là xem xét dự thảo luật có tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Xem xét đầy đủ, kỹ càng, trung thực, khách quan trong việc đánh giá tác động của các chính sách trong dự án, dự thảo do các cơ quan đề xuất.

Từ thực tiễn cơ sở, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina (Đồng Nai) dẫn chứng từ việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang được Quốc hội cho ý kiến. Theo ông Phúc, NLĐ sẵn sàng đưa ra những thắc mắc, tranh luận về các phương án thay đổi liên quan đến chính sách quan trọng, thiết thực này.

Ông Phúc chia sẻ, đơn vị mình luôn có các kênh ghi nhận ý kiến NLĐ như trên Facebook, Zalo, Viber… Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn sẵn sàng đến nơi ở, nơi làm việc để lắng nghe ý kiến của NLĐ, đồng thời tìm cách phản hồi ý kiến thỏa đáng cho họ.

Nhấn mạnh đến việc đa dạng hóa các loại hình tiếp xúc với NLĐ, ông Phúc khẳng định: “Khi chúng tôi trực tiếp đến nơi họ ở, đến nơi họ làm việc, thì kết quả các ý kiến có chất lượng cao hơn".

Phát huy vai trò Công đoàn, người lao động trong xây dựng chính sách pháp luật ảnh 2
Bà Lê Hồng Hạnh cho rằng Công đoàn cần lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người lao động nhiều hơn nữa

Đồng tình, bà Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan T.Ư Đoàn cũng cho rằng, Công đoàn cần tăng cường hơn nữa việc lắng nghe phản ánh từ đoàn viên, từ cơ sở để nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đoàn viên, NLĐ.

Trên cơ sở đó, các cấp công đoàn có trách nhiệm cung cấp thông tin, trao đổi để các cán bộ, đoàn viên tham mưu, đề xuất chính sách, pháp luật, chuyển tải thành các định hướng, quy định cụ thể trong từng chủ trương, chính sách.

Cùng với đó, công đoàn cần đa dạng hình thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả công tác tư vấn về chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin cho đoàn viên, NLĐ.

MỚI - NÓNG