Phát hiện phiên bản 'tàng hình' mới của biến thể Omicron

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: AP
Ảnh minh hoạ: AP
TPO - Các nhà khoa học đã tìm ra một phiên bản “tàng hình” của biến thể Omicron, khó phân biệt được với những biến thể khác thông qua các xét nghiệm PCR.

Theo The Guardian, phiên bản “tàng hình” có nhiều điểm chung với biến thể Omicron gốc, được phát hiện trong các bộ gien virus gửi đi từ Nam Phi, Úc và Canada. Ít nhất 7 ca nhiễm phiên bản “tàng hình” của Omicron đã được phát hiện.

Việc phát hiện ra phiên bản mới đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu tách dòng B.1.1.529 (tên khoa học của Omicron) thành BA.1 (Omicron gốc) và BA.2 (phiên bản mới hơn).

“Có hai dòng biến thể Omicron là BA.1 và BA.2, khá khác nhau về mặt di truyền”, Giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền Đại học London, cho biết. "Hai dòng có thể có các tính năng khác nhau".

Thông thường, các nhà khoa học thường sử dụng phương pháp phân tích bộ gien để xác định các biến thể của virus SARS-CoV-2. Khoảng một nửa số máy PCR ở Anh hoạt động dựa trên phương pháp tìm kiếm 3 gien của virus.

Biến thể Omicron và Alpha chỉ cho kết quả dương tính với 2 gien trong số đó, vì cả Omicron và Alpha đều có một đặc điểm đáng chú ý về mặt di truyền là đột biến mất đoạn trong gien S. Tuy nhiên, biến thể Omicron phiên bản “tàng hình” lại không có đột biến này, khiến máy PCR khó phân biệt hơn.

Theo các chuyên gia, dù phiên bản mới thuộc dòng Omicron, nhưng nó rất khác biệt về mặt di truyền nên có thể trở thành “biến thể đáng quan ngại mới” nếu lây lan nhanh chóng.

Việc hai biến thể BA.1 và BA.2 liên tục xuất hiện được coi là dấu hiệu đáng lo ngại, cho thấy quá trình giám sát sức khoẻ cộng đồng “đang bỏ lỡ một mảnh ghép lớn”.

Cũng trong ngày 8/12, cơ quan y tế bang Queensland (Úc) cho biết đã phát hiện một dòng Omicron mới ở một du khách đến từ Nam Phi. Hiện chưa rõ dòng Omicron này có phải dòng “tàng hình” nói trên hay không.

Theo Peter Aitken - người đứng đầu cơ quan y tế bang Queensland, dòng Omicron mới có khoảng một nửa số đột biến so với Omicron gốc, và không có đột biến mất đoạn ở gien S, nên khó bị phát hiện thông qua xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase. “Giờ đây, chúng tôi có Omicron và dòng giống Omicron”, ông Aitken nói.

Phát hiện này có thể là bước lùi với những nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu các đặc tính của biến thể Omicron, ví dụ như khả năng lây lan và khả năng trốn kháng thể.

Đến thời điểm hiện tại, đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 266 người nhiễm bệnh và hơn 5,2 triệu người tử vong. Bản thân virus SARS-CoV-2 đã trải qua nhiều lần đột biến, trong đó có 5 biến thể được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm biến thể đáng quan ngại.

Biến thể mới nhất - Omicron, được phát hiện lần đầu ở miền Nam châu Phi vào ngày 24/11 - đã nhanh chóng lan rộng ra gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, buộc nhiều chính phủ phải hoãn kế hoạch mở cửa hoặc áp dụng trở lại các lệnh hạn chế nghiêm ngặt.

Theo The Guardian, Straitstimes
MỚI - NÓNG