Phát hiện hơn 10.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thống kê từ Sở Y tế Hà Nội cho hay, từ đầu năm đến nay, toàn TP Hà Nội đã thành lập hơn 900 đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP), phát hiện hơn 10.000 cơ sở vi phạm.

Thời gian qua, ngành y tế Thủ đô đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn về công tác quản lý ATTP bếp ăn tập thể; tập huấn về thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm; hướng dẫn các biện pháp chuyên môn kỹ thuật triển khai bữa cỗ tập trung đông người; công tác quản lý ATTP cho lãnh đạo, cán bộ y tế, người tham gia chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học.

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, trong 10 tháng năm 2023, toàn TP cấp 578 giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, 68 giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm, tiếp nhận 14.167 bản tự công bố và 1.835 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố đã tăng cường triển khai quyết liệt việc kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại các bếp ăn trường học. Trong đó, công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào được đẩy mạnh. Qua công tác thanh, kiểm tra phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, góp phần nâng cao công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn.

Tổng số cơ sở được thanh, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm là 82.426 cơ sở, trong đó, đạt 72.183 cơ sở chiếm tỷ lệ 87,5 %, phát hiện 10.240 cơ sở vi phạm. Trong đó, 6.578 cơ sở bị phạt với số tiền là hơn 14 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là khu vực chứa đựng, trưng bày hàng hóa không đầy đủ giá kệ. Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn chưa thực hiện gửi bản cam kết đảm bảo quy định về ATTP; hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung bảo đảm ATTP.

Ngoài ra, có 709 cơ sở bị hủy sản phẩm với tổng số 199 loại sản phẩm; 67 cơ sở bị đình chỉ; 2.886 cơ sở nhắc nhở tại chỗ những lỗi tồn tại của người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm như đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với thực phẩm chưa đúng, không cắt móng tay, đeo đồ trang sức.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10 cả nước xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với 261 người bị ngộ độc (6 người tử vong). Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 93 vụ với 1.617 người bị ngộ độc, 21 người tử vong. Trong số này, không ít vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể.

Liên quan đến đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 787/BYT-ATTP đề nghị Bộ GD&ĐT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tập trung triển khai tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể.

Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với từng đối tượng (công nhân, học sinh, sinh viên, cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm, nhân viên nhà trường...), chú ý về vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.

MỚI - NÓNG