Thừa nhận công tác quản lí nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn tồn tại một số bất cập, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), chỉ ra mô hình quản lí chưa đồng bộ, hiệu quả thấp, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lí chưa chặt chẽ và còn nhiều kẽ hở.
Kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại trường học |
“Các hình thức kinh doanh trên nền tảng số ngày một đa dạng, khó quản lí; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y diễn biến phức tạp; thực phẩm trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa thực sự bảo đảm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân cũng như an ninh ATTP”, ông Thắng nói.
Ông Cao Văn Trung thông tin, tỉ lệ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất cụ thể là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, các chất kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng trong nông sản và thịt gia súc, gia cầm làm nguyên liệu để chế biến thực phẩm còn chiếm tỉ lệ cao hơn so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, cơ chế thị trường tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhập khẩu thực phẩm, từ đó tồn tại những vi phạm về đạo đức sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm chưa bảo đảm vẫn lén lút được đưa ra thị trường.
“Tại Việt Nam, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. Trong 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm có đến 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế. Trên 70% nông dân vẫn sống bằng nông nghiệp và người dân nhiều nơi vẫn còn tập quán sử dụng thực phẩm không bảo đảm. Do điều kiện kinh tế còn thấp nên người dân vẫn phải chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ mặc dù biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra”, ông Trung cho biết.
Đáng chú ý, sự đa dạng của các hình thức kinh doanh như: kinh doanh online, đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới... khiến công tác kiểm tra, kiểm soát ATTP khó khăn hơn. Do đó, các chuyên gia thực phẩm cho rằng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe.
Xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh nguy cơ về ATTP
Tại hội thảo “Đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm” với sự tham dự của khoảng hơn 30 chuyên gia khoa học trong nước và quốc tế vừa diễn ra, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu rõ sự quan trọng của đánh giá nguy cơ ATTP. Trong bối cảnh ngành mới phát triển, còn thiếu nhân lực, nguồn lực, cần xác định vùng rủi ro, mức độ ảnh hưởng để hành động hiệu quả.
“Bảo đảm ATTP là trách nhiệm của toàn thể xã hội chứ không phải của riêng ai. Việc quản lí chuỗi cần bắt nguồn từ gốc. Các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ giám sát, đánh giá, cảnh báo, và quản lí nguy cơ ATTP đối với các loại thực phẩm nông sản và thủy sản tiêu dùng. Nhưng để nhận diện mối nguy, đánh giá phơi nhiễm và kiểm tra thực tế, cần hợp tác với các bộ, ngành và địa phương”, ông Tiệp nói.
Việc thành lập nhóm kĩ thuật đánh giá nguy cơ về ATTP sẽ là một bước tiến lớn trong việc kiểm soát ATTP tại Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng tiến tới thành lập Trung tâm Đánh giá nguy cơ quốc gia về ATTP.
Để bảo đảm ATTP trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp về thu hồi, giám sát và xử lí đối với sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm có khuyết tật lưu thông trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.