Bệnh viện y học cổ truyền Đà Nẵng: Nâng tầm hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
Tọa lạc trên đường Đinh Gia Trinh, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng (YHCT ĐN) được xây dựng cơ sở mới khang trang bề thế trên diện tích hơn 22.000m 2 và đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại. Mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận điều trị cho hơn 400 bệnh nhân nội trú tại cơ sở chính và hơn 200 lượt bệnh nhân ngoại trú tại cơ sở 2 (địa chỉ 51 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu).

Kế thừa truyền thống

Bệnh viện YHCT ĐN, tiền thân là Bệnh viện Đông y tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 4333/QĐ/TC-UB do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Long ký ngày 27-10-1976.

Trải qua 47 năm xây dựng và trưởng thành, Bệnh viện không ngừng phát triển, phát huy tiềm năng y dược cổ truyền, góp phần phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nhiều phương pháp chữa bệnh dùng thuốc thang và các phương pháp không dùng thuốc truyền thống như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, giác hơi, chích lể, chườm ngải,… đã được Bệnh viện kế thừa, phát huy hiệu quả tích cực, được đông đảo bệnh nhân tín nhiệm.

Đi đôi với việc phát triển cơ sở vật chất, Bệnh viện luôn chú trọng xây dựng nguồn lực con người, không chỉ đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn mà còn luôn nỗ lực, cống hiến, tận tụy, hy sinh của tất cả tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động, nhất là trong giai đoạn cực kỳ khó khăn căng mình chống đại dịch Covid-19 vừa qua.

Bệnh viện y học cổ truyền Đà Nẵng: Nâng tầm hiện đại ảnh 1
Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng

Nâng tầm hiện đại

Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành; Bệnh viện YHCT Đà Nẵng không chỉ được xây dựng khang trang, xanh - sạch - đẹp, mà còn được đầu tư nhiều thiết bị y tế hiện đại trở thành một trong những bệnh viện y học cổ truyền hàng đầu khu vực Miền Trung - Tây nguyên.

Với hệ thống thiết bị chẩn đoán hình ảnh như máy chụp cắt lớp vi tính (CT scan), siêu âm Doppler màu, máy đo loãng xương, X quang kỹ thuật số (DR) cùng các xét nghiệm huyết học, sinh hóa tự động…đã giúp đội ngũ thầy thuốc chẩn đoán sớm và chính xác bệnh tật, nhờ đó can thiệp kịp thời và hiệu quả.

Bên cạnh các liệu pháp truyền thống, nhiều phương pháp mới, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại được nghiên cứu ứng dụng như hỏa long cứu, cấy chỉ thẩm mỹ Hàn Quốc, điện xung, siêu âm điều trị, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, tiêm xơ búi trĩ,…

Đặc biệt, Bệnh viện còn trang bị hệ thống Oxy cao áp buồng đa và phòng mổ hiện đại và đồng bộ: 2 phòng vô khuẩn, hệ thống cửa tự động, hệ thống áp lực âm, hành lang ra vào khép kín cùng nhiều máy móc trang thiết bị tiên tiến: hệ thống gây mê, đèn mổ chuyên dụng, monitor, dao đốt điện cao tần…

Bệnh viện y học cổ truyền Đà Nẵng: Nâng tầm hiện đại ảnh 2
Hệ thống Oxy cao áp buồng đa hiện đại tại bệnh viện

Với cơ sở trang thiết bị nói trên, Bệnh viện không những phát huy lợi thế điều trị, phục hồi chức năng trong các bệnh lý lão khoa, rối loạn chuyển hóa, tai biến mạch máu não, cơ xương khớp mạn tính, mà còn có thể can thiệp nhiều bệnh lý ngoại khoa: bệnh lý trĩ nội - ngoại, các chấn thương, các bệnh lý thần kinh - cơ xương khớp (ngón tay cò súng, đường hầm ống cổ tay… ) cũng như hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân ung thư của Đơn vị Chăm sóc giảm nhẹ.

Bên cạnh các khoa Khám bệnh, Nội Nhi, Nội tổng hợp, Ngoại Phụ, Lão…, Bệnh viện còn có các đơn vị: Phục hồi chức năng, Chăm sóc giảm nhẹ, Điều trị theo yêu cầu, Hiếm muộn và Y học giới tính,… đã và đang hoạt động phát huy hiệu quả hiệu quả bằng các phương pháp điều trị Đông - Tây y kết hợp.

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp thành phố, cấp nhà nước được Bệnh viện chủ trì và phối hợp với các bệnh viện lớn trên toàn quốc; qua đó nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng chuyên môn cho đội ngũ thầy thuốc. Gần đây bệnh viện còn ký kết biên bản ghi nhớ với các trường đại học Dongshin Hàn quốc…

Lãnh đạo Bệnh viện xác định mục tiêu trước mắt và lâu dài là phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng thành bệnh viện đa khoa y học cổ truyền hàng đầu khu vực miền Trung – Tây Nguyên và ngang tầm với các các bệnh viện y học cổ truyền lớn trong cả nước.

Mở rộng không gian văn hóa y dược cổ truyền

Hiện đại hóa nhưng không làm mất đi bản sắc Y dược cổ truyền là một thách thức đang đặt ra cho ngành Đông y nước nhà.

Xác định Y dược cổ truyền là di sản văn hóa dân tộc; bản chất của Đông y là y học dự phòng “thánh nhân trị vị bệnh” (thầy giỏi chữa khi chưa có bệnh). Nên ngày từ khi lên kế hoạch xây dựng cơ sở mới, lãnh đạo Bệnh viện đã góp ý với cơ quan chức năng đưa vào thiết kế nhiều hạng mục xây dựng mang đậm dấu ấn của Y dược cổ truyền như Khoa Dược, Hội quán Đông y, Nhà thiền Y miếu, sân tập dưỡng sinh, phòng tập Thiền - Yoga, Vườn thuốc nam,…

Trong tương lai gần, theo đề án phát triển Du lịch y tế bằng Y dược cổ truyền đang được lãnh đạo ngành và thành phố quan tâm, Bệnh viện tiếp tục có kế hoạch chỉnh trang, thiết kế xây dựng cảnh quan Vườn trị liệu theo mô hình Ngũ hành, chắc chắn sẽ trở thành một điểm nhấn hấp dẫn thu hút khách du lịch gần xa.

Mở rộng không gian văn hóa Y dược cổ truyền, không quên hồn cốt không chỉ ở cảnh quan, mà quan trọng chính từ trong tâm tưởng, nếp sống của mỗi cán bộ nhân viên, từ trong văn hóa công sở. Chính vì lẽ đó, trong mấy năm qua, Bệnh viện luôn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho cán bộ nhân viên thông qua nhiều hoạt động như tổ chức dâng hương Y tổ, khám chữa bệnh miễn phí theo các chuyên đề đền ơn đáp nghĩa cho các xã phường, quận trong thành phố; tập huấn văn hóa ứng xử, vận động các văn nghệ sĩ đúc tượng đồng tri ân chuyên gia Virginia Mary Lockett, sáng tác bài hát “Tình người thầy thuốc Đông y”, thực hiện phim tài liệu “Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng - những mốc son và khát vọng vươn tầm”, phát hành Kỷ yếu “Bệnh viện y học cổ truyền Đà Nẵng - 46 năm xây dựng và phát triển (1976-2022)”,…

Từ các hoạt động nói trên, lãnh đạo Bệnh viện đã ban hành “Sứ mệnh – Tầm nhìn – Giá trị cốt lõi” và bước đầu chú trọng xây dựng văn hóa công sở kết nối truyền thống và hiện đại trong phong cách ứng xử, giao tiếp, việc làm chuẩn mực, nhân ái, nhân văn, nhân bản, bên cạnh các biểu hiện qua vẻ đẹp hành vi, ngôn ngữ, diện mạo, trang phục.

Hy vọng trong thời gian đến, với sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo ngành và địa phương, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng sẽ không ngừng phát triển, đánh thức tiềm lực y dược cổ truyền, phát triển Y học cổ truyền kết hợp với Y học hiện đại, tiếp tục góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trong lúc viết bài này, chúng tôi vừa nhận được tin vui Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO vinh danh danh nhân văn hoá thế giới và một thầy thuốc của bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng được mời tham gia biên soạn tập sách về HTLO Lê Hữu Trác.

MỚI - NÓNG