Họ viết để tham dự cuộc thi Sự hối hận và niềm tin hướng thiện do Hội LHTN phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức. Hoàng Anh Tuấn (TP Lạng Sơn, 35 tuổi), vốn là con nhà nghèo, học giỏi, được vào ngành hải quan làm việc ở cửa khẩu Tân Thanh.
Tuy nhiên, cuộc đời Tuấn rẽ ngang khi bị khởi tố vì nhúng chàm trong vụ án đưa nhận hối lộ. Chưa kịp thi hành án, Tuấn bi quan, lao vào các cuộc chơi thâu đêm, suốt sáng, rồi bập vào ma tuý.
“Sau thời gian dài sa ngã, tôi bị cải tạo bắt buộc tại Trại tập trung lao động xã hội của tỉnh. Sau cai nghiện trở về, tôi vẫn như con ngựa bất kham, lao sâu vào lỗi lầm. Và kết cục, tôi bị công an bắt về hành vi mua, bán trái phép các chất ma tuý, bị kết án 36 tháng tù”, Tuấn viết.
Phạm Thị Oanh (28 tuổi, trú tại huyện Hữu Lũng) vốn học giỏi, nhưng ương bướng. Năm học lớp 10, giữa Oanh và cô giáo dạy văn nổ ra cuộc tranh luận gay gắt.
Không kìm chế được, Oanh tát vào mặt cô giáo, rồi kết thúc cuộc đời học sinh bằng cuộc hôn nhân vội vã. “Không nghề nghiệp, tôi theo chân mẹ chồng đi buôn bán ở các chợ liên xã, chợ huyện. Chồng tôi làm đủ mọi thứ để nuôi vợ, chăm con.
Nhưng con nhỏ, đau ốm liên miên, khiến vợ chồng rơi vào cảnh túng bấn. Khi con khỏi bệnh, cũng là lúc chồng tôi nhập viện rồi phát hiện bị nhiễm HIV và đã lây bệnh cho tôi”, Oanh kể.
Trời đất như sụp đổ dưới chân cô gái mới 19 tuổi. Oanh gửi con cho bà ngoại rồi bỏ lên TP Lạng Sơn làm thuê, bán hàng rong, sang cả Quảng Ninh để theo nhóm bạn gái lênh đênh trên những con tàu trên biển.
Oanh trở thành má mì từ đó. Kể đến đây, Oanh rơm rớm nước mắt: “Cho đến khi bị bắt, lĩnh án 4 năm tù, tôi mới choàng tỉnh. Tôi lo sợ, chiều nay, con tôi đứng trước cổng trường khi tan học, không ai đến đón”.
Nguyễn Đình Trường (24 tuổi), sống tại khu vực biên giới Cốc Nam (huyện Văn Lãng), nơi hàng hoá thông thương giữa hai nước Việt- Trung. “Môi trường này đầy cạm bẫy.
Hết lớp 12, sau nhiều lần đàn đúm, tôi đã quen một đại ca vừa ra tù, có tiếng trong thế giới ngầm vùng biên. Tôi xin làm đệ tử, được ăn ngon, mặc đẹp”, Trường kể.
Một ngày cuối năm 2009, thời tiết se lạnh, Trường cùng nhóm bạn uống rượu, ăn thịt nướng tại một quán ven đường. Cơn say la đà, Trường cùng ba người khác dùng dao nhọn chặn xe, trấn lột và bị bắt.
Sám hối
Hoàng Anh Tuấn dành nhiều trang viết thể hiện sự hối hận. Tuấn cho biết, cán bộ quản giáo gần gũi, chân tình, tạo điều kiện cho phạm nhân lao động, học tập, thể dục thể thao.
Còn Trần Thị Oanh tâm sự: “Trại giam thường xuyên mời bác sỹ đến làm công tác truyền thông cho phạm nhân hiểu rõ nguyên nhân nhiễm bệnh, cách phòng, chống HIV/AIDS, qua đó, tôi lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống và an tâm cải tạo. Con trai tôi tới thăm gần đây có hỏi bao giờ tôi về. Câu hỏi ngây thơ của con trẻ khiến tôi suy nghĩ và tự hứa với lòng mình, phải phấn đấu cải tạo thật tốt để sớm trở về, làm người lương thiện”.
Kết thúc bài viết, Nguyễn Đình Trường nhắn nhủ: “Muốn sống có ích cho xã hội, chúng ta phải phấn đấu học tập và lao động, hướng thiện. Hãy tự phòng vệ, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Tôi mơ về một tương lai tươi sáng đang đón chờ. Tôi nhớ một câu nói đầy ý nghĩa: Hai người tù nhìn ra cửa sổ, một người chỉ nhìn thấy song sắt, còn người kia nhìn thấy những vì sao. Người nhìn thấy bầu trời đầy sao là tôi!”.
Cuộc thi viết Sự hối hận và niềm tin hướng thiện thu hút hơn 100 bài viết của các phạm nhân. Ban tổ chức đã trao giải cho 10 bài viết xuất sắc nhất và lựa chọn đọc tại đêm giao lưu văn nghệ với thanh niên. |