Phải làm rõ, minh bạch vụ Formosa

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà giải trình về tình trạng ô nhiễm môi trường. Ảnh: Như Ý.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà giải trình về tình trạng ô nhiễm môi trường. Ảnh: Như Ý.
TP - “Đến nay chưa ai đứng ra để nhận trách nhiệm về vấn đề xả thải của Formosa; chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước đối với vấn đề Formosa, trong đó có 58 lỗi kỹ thuật, biểu hiện của sự gian dối. Những vấn đề Formosa nhất định phải làm rõ, minh bạch, nghiêm túc”, ĐB Trần Công Thuật (Quảng Bình) nêu ý kiến tại phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội, ngày 2/11.

Môi trường không thể chịu thêm nữa

Theo ĐB Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Quảng Bình, hành động xả thải của Formosa là hành vi hủy hoại môi trường, gây ảnh hưởng toàn diện, phạm vi rộng và nghiêm trọng đến sự sống của biển miền Trung, đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân và an ninh trật tự xã hội.

Theo ông Thuật, vụ việc đã xảy ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa ai đứng ra để nhận trách nhiệm về vấn đề xả thải của Formosa. “Những vấn đề Formosa nhất định phải làm rõ, minh bạch, nghiêm túc. Chúng ta không xem xét xử lý một cách rõ ràng thì ai sẽ trả lời?”, ông Thuật nói và đề nghị, khi Formosa cam kết không tái phạm thì cũng cần phải làm rõ, tái phạm là như thế nào, ở mức độ nào. “Vi phạm trong chôn lấp chất thải vừa rồi có được gọi là tái phạm không. Cử tri mong muốn nếu chưa làm rõ vấn đề, chưa khắc phục được vi phạm thì kiên quyết chưa cho vào hoạt động”, ông Thuật kiến nghị.

Đề cập đến vấn đề bồi thường, ông Thuật cho biết, sự cố môi trường biển tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch, khiến doanh nghiệp điêu đứng, thiệt hại rất lớn. Do đó, cần có giải pháp để cứu giúp các doanh nghiệp du lịch đang có nguy cơ bị phá sản.

Giải trình về những vấn đề liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, sau hàng loạt sự cố về môi trường, Chính phủ nhận thấy, môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa. Chính vì vậy cần xác lập vị trí mới trong vấn đề môi trường. Theo đó, nếu như trước đây môi trường thường đi sau phát triển thì giờ đây phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình đó.

 “Thời gian tới cần biện pháp quyết liệt, rất nghiêm túc trong việc thực hiện nghiêm pháp luật môi trường cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp như đánh giá tác động môi trường. Đồng thời sắp tới bộ sẽ nghiên cứu đề xuất sửa Luật Bảo vệ môi trường, sửa Luật Đầu tư và Doanh nghiệp trong đánh giá tác động môi trường, giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường”, ông Hà nói.

Khởi xướng văn hóa từ chức

Dẫn Báo cáo Chính phủ nêu năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính còn chưa nghiêm, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thẳng thắn nói, năm nào trong báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội đều có hạn chế này.

Tuy nhiên, vấn đề là vì sao tình trạng này lại tồn tại dai dẳng như vậy. Chính phủ cần chỉ đạo thanh tra, kiểm tra để xác định bản chất vấn đề và xử lý nghiêm sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên. “Chính phủ có chấn chỉnh được thực trạng này hay không và khi nào sẽ khắc phục được yếu kém này – đây là vấn đề mà cử tri và Quốc hội mong muốn có câu trả lời”, ông Học nói.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, muốn xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển thì phải ngăn chặn “lợi ích nhóm”, ngăn chặn lợi ích cục bộ ngay từ khi khởi xướng và xây dựng chính sách. Cùng với đó là ban hành bộ tiêu chí đánh giá cán bộ theo từng hành vi thực thi công vụ; có cơ chế khảo khóa, sát hạch định kỳ hàng năm để sàng lọc cán bộ, công chức. 

Chính phủ cần khởi xướng văn hóa từ chức để những ai thấy mình “tài hèn, đức mọn” tự nguyện nhường chỗ cho bậc hiền tài. Ông Vân cũng đề nghị cải cách chế độ tiền lương, xây dựng cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát cán bộ, công chức; bảo đảm môi trường liêm chính để những kẻ bất tài, vô hạnh không thể, không muốn và không dám “chạy chức, chạy quyền”; không thể, không muốn và không dám tham nhũng.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị ban hành quy trình xử lý kỷ luật ngắn gọn, thông thoáng, nghiêm minh. Chấm dứt ngay tình trạng cán bộ vi phạm rõ ràng mà cả năm không xử lý được. Đồng thời mạnh tay kể cả đuổi việc một số trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục làm gương cho mọi người. Làm như vậy sẽ nâng cao được chỉ số lòng tin, làm yên lòng người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, sau hàng loạt sự cố về môi trường, Chính phủ nhận thấy, môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa. Chính vì vậy cần xác lập vị trí mới trong vấn đề môi trường. Theo đó, nếu như trước đây môi trường thường đi sau phát triển thì giờ đây phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình đó. 

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Tiết kiệm từng đồng, tiền tỷ thất thoát thì phải xử nghiêm

Báo cáo của Chính phủ nêu số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn, nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp. Tôi cho rằng đây là biểu hiện cụ thể của việc có tiêu cực, có thất thoát tài sản của nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Người dân rất đồng tình, ủng hộ khi Thủ tướng Chính phủ khẳng định Chính phủ tiết kiệm từng đồng thuế của dân. Vậy cả tỷ tỷ đồng thất thoát trong quá trình cổ phần hóa sẽ được xem xét giải quyết như thế nào. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra làm rõ để xử lý sai phạm, thu hồi tiền của nhân dân bị thất thoát.

ĐB Lê Quân (Hà Nội): Thoái vốn các con “bò sữa”

Chúng ta cần mạnh dạn thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết liên quan đến an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh phúc lợi. Không coi một số doanh nghiệp nhà nước là con “bò sữa” của ngân sách, bởi sau thoái vốn các con “bò sữa” này sẽ cho sữa nhiều hơn do hoạt động thường hiệu quả hơn và đóng thuế nhiều hơn. Thoái vốn sẽ giúp nhà nước thế vốn nhà nước bằng vốn tư nhân. Hiện nay vốn trong dân, trong ngân hàng nhiều nhưng thiếu cơ hội đầu tư. Do đó, để đảm bảo hiệu quả đồng vốn thu được một mặt chúng ta thoái vốn để tạo điều kiện cho vốn tư nhân thay thế, một mặt khác Chính phủ nên ưu tiên dùng tiền đó cho đầu tư hạ tầng và phát triển nhân lực là một trong hai khâu trọng tâm đột phá trong nhiệm kỳ.

Văn Kiên - Dũng Nguyễn

MỚI - NÓNG