Phải kiểm toán nợ công

TP - Nợ công tiếp tục là vấn đề nóng được nhiều đại biểu (ĐB) quan ngại tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 31/10, khi cho rằng Việt Nam đã dùng gần hết dư địa cho giai đoạn từ nay đến 2020.

Phải kiểm toán nợ công ảnh 1 ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng).

Tiêu đạt nhưng làm không đạt

ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) sau khi dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng về tỷ lệ nợ công tăng từ mức 50% năm 2011 lên 64% GDP năm 2015 (tốc độ tăng nợ khoảng 18-25% một năm) đã cho rằng như vậy là Việt Nam đã tiêu hết dư địa về nợ công cho 6 năm tới. “Tỷ lệ nợ công 65% GDP là theo chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020, mà đến 2015 đã là 64%. Như vậy có phải chúng ta tiêu hết của 6 năm về sau không”, ông Kiên đặt vấn đề.

Ông Kiên lo ngại, trong bối cảnh sản xuất khó khăn, nếu cứ đưa ra chỉ tiêu tiêu tiền trong khi nguồn thu cho ngân sách Nhà nước không được nuôi dưỡng đầy đủ thì đó có thể lại là nguyên nhân khiến nợ công tăng lên.

“Trong khi cả 11 chỉ tiêu về tiêu tiền của giai đoạn 2011-2015 đều đạt, 7 chỉ tiêu về sản xuất làm ra tiền lại không thể hoàn thành. Có nghĩa tiêu tiền thì đạt, làm ra tiền lại không đạt...”, ông Kiên nhấn mạnh. Vị ĐB này kiến nghị không nên đề ra chính sách có tính đột phá hay làm hài lòng các đối tượng khác vì chúng ta đã có rất nhiều chính sách nhưng chưa đủ thời gian để chính sách đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó cần phải phân tích thêm về vấn đề tăng sản xuất.

Cũng dẫn lại số liệu nợ công vượt ngưỡng 84 tỷ USD, tương đương mỗi công dân xấp xỉ 900 USD, ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) bày tỏ sự bất an không chỉ vì dư nợ tăng nhanh, sát ngưỡng an toàn mà còn bởi những nguồn thu chủ yếu lâu nay như thu từ khoáng sản, thu thuế trực thu đang hạ xuống do kinh tế phát triển thấp. Bà Hoàng yêu cầu cần quản lý chặt và có chiến lược trả nợ, nhất là năm 2016, theo nguyên tắc “cất gạch, xây lâu đài cho ngày mai”.

Còn theo ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi), nợ công những năm qua đã tăng khá nhanh đi cùng nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, một phần nguyên nhân là do hiệu quả quản lý vốn vay không chặt chẽ. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, thu ngân sách sụt giảm nhưng cũng vẫn phải dùng nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội.

“Đối với quốc gia có xuất phát điểm thấp, hạ tầng kém như nước ta thì khi khủng hoảng, nợ công tăng nhanh là điều dễ hiểu, nhưng cần có giải pháp xử lý hiệu quả”, ĐB này nhấn mạnh.

Do đó, theo ĐB Phúc cần tập trung thống nhất một đầu mối quản lý nợ công, quy định rõ chức năng thẩm định sử dụng vốn vay, cân nhắc kỹ hiệu quả dự án trước khi đầu tư, phân kỳ dự án để giải ngân, kiên quyết loại bỏ dự án không hiệu quả, tinh giản bộ máy. Bên cạnh đó phải đẩy mạnh cổ phần hóa, tái đầu tư để trả nợ; Cần cơ cấu lại thời hạn vốn vay trong nước và kiểm soát chặt chẽ lạm phát, thâm hụt tài khoản vãng lai.

“Đã báo cáo hết chưa?”

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) chỉ rõ các ĐBQH hãy tự trách mình trước vì ngân sách, chỉ tiêu kinh tế đều do Quốc hội (QH) quyết định cả. Cử tri băn khoăn thực sự nợ công bao nhiêu, đã báo cáo hết chưa vì còn một số khoản nợ chưa tính như nợ hoàn thuế, bảo hiểm. Chúng ta phải nhớ câu chuyện 86 ngàn tỷ nợ của Vinashin. Đấy là nợ của DN nhưng nhà nước phải có trách nhiệm. Cho nên cần đánh giá đầy đủ số liệu để QH có con số chính thức, có như vậy mới đưa ra được quyết sách đúng.

Cử tri cũng lo lắng, vì sử dụng vốn vay còn lãng phí, thất thoát. Một ký túc xá ở Đà Lạt xây dựng mất 1.082 tỷ đồng nhưng chỉ có 1 sinh viên ở, vì cách xa trường tới 5km, đường vô cùng gập ghềnh! Đấy là điển hình lãng phí.

Một vấn đề nữa khiến cử tri lo lắng đấy là lấy tiền đâu trả nợ. Vậy phải đánh giá đúng nợ công, thống kê chính xác số nợ của DNNN; thứ hai cân nhắc các siêu dự án. Thậm chí, dự án sân bay Long Thành, QH phải cân nhắc rất kỹ. “Rất tình cờ, sáng nay tôi có gặp anh hùng Phạm Tuân, anh ấy cũng đề nghị cân nhắc kỹ dự án này. Vì nó làm tăng nợ công đã rõ, nhưng thu hồi vốn cũng rất khó. Nói có thể thu hút 100 triệu khách, nhưng chủ yếu là khách quốc tế, trong điều kiện các sân bay trong khu vực hiện nay, họ có chọn qua Long Thành không? Vì vậy, tôi nghĩ rằng, cần tăng vai trò và phải kiểm toán các khoản nợ công”, ĐB Hùng kiến nghị.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) chỉ rõ, trong khi ngân sách khó khăn, chính sách của ta lại rất phân tán, manh mún. Tôi hy vọng tới Đại hội XII phải có đổi mới mạnh mẽ hơn, đồng thời giảm mạnh biên chế, nếu không không ngân sách nào chịu nổi. Ngay tại Thanh Hóa mà hàng năm chi cho các hội đặc thù cũng tới mấy trăm tỷ đồng”, ĐB Nam cho biết.

MỚI - NÓNG