Chính phủ họp thường kỳ tháng 10: Kiểm soát nợ công, giảm nợ xấu

TP - Ngày 29/10, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung và dứt khoát kiểm soát nợ công theo chiến lược đã đề ra, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép; tiếp tục xử lý để giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Chính phủ họp thường kỳ tháng 10: Kiểm soát nợ công, giảm nợ xấu ảnh 1

Theo đại diện Bộ Tài chính bội chi tăng một phần do giảm thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Hồng Vĩnh

Cơ cấu lại nợ

Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định nợ công vẫn trong giới hạn an toàn. Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, nợ công có xu hướng tăng là do gia tăng các khoản vay để đầu tư phát triển và chi trả nợ. Hiện nay, hơn 98% nợ công là để đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, trong đó, nợ trong nước chiếm tỷ trọng lớn (51%) và có xu hướng tăng. Nợ nước ngoài chiếm khoảng 49%, đa phần là vốn vay ODA.

Nợ trong nước thường có thời hạn ngắn và lãi suất cao hơn nên gây ra áp lực đối với cơ cấu thu chi ngân sách. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ công để nâng cao hơn nữa tính an toàn, hiệu quả của nợ công.

Chỉ đạo nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Nợ công của quốc gia (bao gồm nợ Chính phủ vay, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương) hiện trong giới hạn cho phép theo quy định của Chiến lược nợ công quốc gia (không vượt quá 65% GDP). Theo đánh giá, đỉnh nợ công quốc gia sẽ đạt mức 64,9% vào năm 2016 và giảm dần, đến năm 2020 chỉ còn 60,2%.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ đảm bảo nguồn ngân sách để trả nợ mà theo quy định là không quá 25% tổng chi ngân sách và đến năm 2020 tỷ lệ huy động ngân sách để trả nợ là khoảng 19,5% tổng chi ngân sách.

“Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung và dứt khoát kiểm soát nợ công theo Chiến lược đã đề ra, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép; đảm bảo chi, sử dụng tiền vay có hiệu quả; đảm bảo cân đối ngân sách dành cho trả nợ; cơ cấu lại nợ theo hướng lành mạnh hơn, để có các khoản vay với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, không làm thay đổi tổng nợ cũng như nghĩa vụ nợ”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho biết sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc xử lý nợ xấu thời gian qua đạt kết quả khả quan. Tính đến giữa tháng 9, nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng là 5,43% và đến cuối năm 2015, có thể đạt được mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ cũng sẽ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý và công cụ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) làm tốt hơn việc xử lý nợ xấu, không dùng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu.

Như vậy, từ khi triển khai Đề án xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng từ năm 2012 đến tháng 10/2014, cả nước đã giảm tỷ lệ nợ xấu từ 17% xuống còn 5,43%; giảm từ khoảng 460 ngàn tỷ đồng xuống còn 252 ngàn tỷ đồng (giảm 54,3%). VAMC đến hết tháng 9 đã mua vào khoảng 125 ngàn tỷ đồng nợ xấu.

Không hình sự hóa các vi phạm kinh tế

Tại cuộc họp báo chiều 29/10, trả lời phóng viên về vụ việc khởi tố, bắt giam ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ngân hàng thương mại CP Đại Dương (Ocean Bank), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện Ngân hàng Đại dương có dấu hiệu bất ổn và đã thông báo cho ông Hà Văn Thắm khắc phục những bất ổn đó, nhằm đưa ngân hàng hoạt động tốt hơn và có quy định thời hạn khắc phục.

Tuy nhiên, bản thân ông Hà Văn Thắm không tự khắc phục được sai lầm của mình nên NHNH đã chuyển vụ việc sang cơ quan công an.

Cơ quan điều tra đã tiến hành xem xét khởi tố, Viện kiểm sát đã phê chuẩn việc dùng biện pháp ngăn chặn là bắt giam ông Hà Văn Thắm. Tội danh của ông Hà Văn Thắm là vi phạm các quy định trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng.

“Chính phủ không bàn nội dung này tại phiên họp, chỉ có thông tin qua báo cáo. Quan điểm của Chính phủ trong vấn đề này là đối với các vi phạm thuộc về lĩnh vực kinh tế chúng ta hết sức thận trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho những người vi phạm tự khắc phục và khi nào họ không tự khắc phục được thì chúng ta tìm biện pháp ngăn chặn cần thiết. Đó là trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là không hình sự hóa với những trường hợp vi phạm kinh tế khi không cần thiết. Việc bắt giữ này thì cơ quan điều tra đang tiến hành và sẽ thông báo khi có kết quả chính thức”, Bộ trưởng Nên cho biết thêm.

Cũng liên quan đến nội dung này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, cho biết trong quá trình giám sát và thanh tra một số ngân hàng, NHNN đã phát hiện ra những sai phạm về tín dụng của cá nhân ông Hà Văn Thắm.

NHNN đã yêu cầu ông Hà Văn Thắm khắc phục sai phạm và yêu cầu Ngân hàng Đại Dương tái cơ cấu theo đề án của NHNN đã phê duyệt tháng 10/2013. Tuy nhiên trong quá trình thanh tra, NHNN phát hiện ngân hàng Đại Dương không khắc phục những sai phạm, lại phát sinh vi phạm khác có yếu tố hình sự vì vậy đã chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra. Hiện nay, những sai phạm của ông Hà Văn Thắm đang được cơ quan điều tra.

Cân đối chi ngân sách không hợp lý

Trả lời báo chí về cơ cấu chi ngân sách trong đó chi thường xuyên chiếm tỷ lệ lớn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về nội dung này. Tăng trưởng kinh tế của chúng ta nhiều năm chưa đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng không giảm bất cứ loại chi nào cho con người, an sinh xã hội và quốc phòng trong tình hình mới.

“Tốc độ tăng chi chung cao, trong đó chi thường xuyên cao hơn tốc độ tăng GDP. Đây là cân đối không hợp lý”, ông Nên nói. Vì vậy, Chính phủ bàn và đặt ra yêu cầu phải tính toán lại bằng cách tiết kiệm, quản lý, kiểm soát tốt, cân đối lại nguồn chi cho hợp lý, để đảm bảo quá trình lâu dài.

MỚI - NÓNG