Phá 'rào cản', mở lối cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được Chính phủ đánh giá có khả năng cạnh tranh cao, nhưng các doanh nghiệp (DN) đang gặp không ít rào cản để phát triển sản xuất. Ông Hoàng Thọ Vượng, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM (Sở Công Thương TPHCM) chia sẻ với báo Tiền Phong về các “rào cản” mà DN ngành CNHT gặp phải.

Theo ông, “sức khỏe” của DN ngành CNHT tại TPHCM sau đại dịch COVID-19 hiện ra sao? Các DN đang gặp những khó khăn gì và Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM hỗ trợ tháo gỡ những “rào cản” đó như thế nào?

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 kéo dài, nhưng các DN CNHT ở TPHCM đã chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược và đã dần phục hồi, đóng góp vào phát triển công nghiệp nội địa.

Phá 'rào cản', mở lối cho doanh nghiệp ảnh 1

Ông Hoàng Thọ Vượng

Nhìn chung, khó khăn đầu tiên mà các DN gặp phải là vấn đề về nguồn vốn. Các DN cho hay, đang tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc mà các quy định hiện hành của pháp luật chưa thể giải quyết để tạo ra các cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy CNHT phát triển. Trong đó, chính sách tín dụng là một trong những vấn đề nhiều DN gặp phải. Bộ Công Thương đánh giá, do đặc thù của sản xuất CNHT cũng như xuất phát điểm thấp của DN Việt Nam như: DN không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn; báo cáo tài chính không khả thi do đầu tư ban đầu quá lớn, hồ sơ vay vốn khó thuyết phục cơ quan tín dụng…, nên các DN CNHT rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Phá 'rào cản', mở lối cho doanh nghiệp ảnh 2

Doanh CNHT vượt khó vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Nhưng rào cản lớn nhất trong phát triển các ngành công nghiệp đó là công nghệ sản xuất. Trong khi sản xuất các sản phẩm CNHT lại đòi hỏi công nghệ cao, có mức đầu tư lớn. Khả năng nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm mới của các DN CNHT Việt Nam còn rất hạn chế. Thực trạng này có thể được lý giải là do hầu hết các DN CNHT Việt Nam không có bộ phận nghiên cứu phát triển, đội ngũ kỹ sư nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm mới rất thiếu và yếu, thiếu trang thiết bị thí nghiệm hiện đại và chi phí đầu tư cho hoạt động này thấp.

Chính phủ xác định mục tiêu đặt ra đến năm 2030, sản phẩm CNHT của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và giá trị xuất khẩu chiếm 25% giá trị sản xuất công nghiệp; phấn đấu đạt khoảng 2.000 DN.

Về đơn hàng, thị trường, hiện đối tác cung cấp sản phẩm CNHT cho các DN FDI (chiếm 79,2% tổng vốn đăng ký ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) hầu hết đều từ nước ngoài. Vì vậy, DN CNHT trong nước khó tiếp cận để cung cấp đầu vào cho các DN FDI. Đồng thời, do chi phí trung bình cao, giá bán cao nhưng chất lượng của những sản phẩm CNHT sản xuất trong nước còn thấp nên khó cạnh tranh.

Nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, trình độ công nghệ, kỹ thuật của các DN còn lạc hậu, khó có khả năng chuyển giao công nghệ; đặc biệt là những ngành có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao.

Để hỗ trợ các DN, Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM đang triển khai các chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng hiệu quả sản xuất thông qua các chương trình tư vấn cải tiến trực tiếp tại nhà máy. Trung tâm liên tục tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu giữa các DN FDI và các DN CNHT trong nước, trong đó nổi bật là chương trình Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT được tổ chức hằng năm.

Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức Triển lãm Sản phẩm CNHT Việt Nam (VSIF) hỗ trợ các DN có cơ hội quảng bá sản phẩm, tìm kiếm các khách hàng mới. Bên cạnh các hoạt động tư vấn và đào tạo, Nghị quyết 16 về kích cầu đầu tư của thành phố đã hỗ trợ DN trong các công tác đầu tư máy móc, dây chuyền mới phục vụ sản xuất các sản phẩm có giá trị cao.

Lời khuyên của ông đối với các DN CNHT trong lúc này là gì?

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch COVID-19 cũng như cuộc chiến Nga - Ukraine kéo theo sự đứt gãy các chuỗi cung ứng xảy trên toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng. Việt Nam hiện là một trong những điểm đến được xem xét và một bằng chứng được nhắc đến lâu nay chính là dự án 1,32 tỷ USD của Tập đoàn Lego.

Để tận dụng cơ hội này, các DN cần liên tục cải tiến đổi mới nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị mới, mở rộng nhà xưởng tiến đến sản xuất số lượng lớn đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Ngoài ra, DN cần nhanh nhạy nắm bắt thông tin thị trường, tiếp cận các khách hàng mới qua nhiều kênh khác nhau, tập hợp, liên kết cùng nhau đón nhận các đơn hàng lớn từ các khách hàng mới.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG