Ông lớn gấp rút… IPO

TP - Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang đứng trước áp lực cổ phần hóa theo yêu cầu của Chính phủ và là đòi hỏi tất yếu trong cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa đang diễn ra khá chậm.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính bởi cổ phần hóa “kẹt” ở khâu định giá. Bởi nếu không khéo sẽ “bán rẻ” tài sản nhà nước.

Ông lớn gấp rút… IPO ảnh 1

Giới đầu tư trên sàn khá hào hứng với các phiên IPO của các ông lớn DNNN. Ảnh : Như Ý 

“Sóng” IPO đã dậy

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa tổ chức đấu giá cổ phần phát hành ra công chúng lần đầu (IPO) vào sáng 22/9. Kết quả có 87 nhà đầu tư đặt mua hơn 110,5 triệu cổ phần trong tổng số hơn 121,99 triệu cổ phần chào bán.

Mức giá bình quân thành công của phiên đấu giá này cũng chỉ bằng giá khởi điểm là 11.000 đồng/cổ phần. Sau IPO, cơ cấu vốn của Tập đoàn là 51% nhà nước, 24% nhà đầu tư chiến lược, 0,6% người lao động và 24,4% là các nhà đầu tư khác.

Khác với Vinatex, vài ngày trước đó, đợt IPO của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) được lượng lớn nhà đầu tư tham gia. Do đó mà số cổ phần được đăng ký mua cũng gấp hơn 4 lần. Sức hấp dẫn của Sasco còn ở mức giá bình quân thành công lên tới 19.330 đồng/cổ phần, gần gấp đôi so với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần.

Không ít quan điểm lo ngại “bán rẻ” tài sản nhà nước bởi quá trình định giá DNNN rất phức tạp bởi những tài sản như đất đai được giao, hoặc thuê dài hạn khó định giá. Bên cạnh đó giá trị thương hiệu và lợi thế độc quyền cũng rất khó xác định giá trị.

Một chuyên gia cho biết

Một doanh nghiệp nhà nước lớn khác là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Vốn điều lệ của Vietnam Airlines là 14.101tỷ đồng, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần tương đương hơn 1,410 triệu cổ phần. Cơ cấu cổ đông dự kiến sau khi cổ phần hóa Vietnam Airlines là nhà nước vẫn nắm giữ 75% vốn điều lệ, nhà đầu tư chiến lược là 20%, còn lại là các cổ đông nhỏ lẻ và người lao động, công đoàn của doanh nghiệp.

Các chuyên gia tại hội thảo Gateway to Vietnam 2014 do Công ty chứng khoán SSI tổ chức đều nhận định thông điệp từ phía cơ quan Nhà nước đã rõ ràng và đang có một đợt sóng thực sự đẩy mạnh cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước.

Thực tế, thị trường đang chứng kiến nhiều “ông lớn” đang gấp rút tiến hành IPO theo yêu cầu từ Chính phủ. Trước đó, Chính phủ đề ra mục tiêu trong 2 năm 2014 - 2015, sẽ cổ phần hóa 432 DNNN.

Ông Nguyễn Trọng Dũng - Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp Văn phòng Chính phủ cho biết, số lượng DNNN Nhà nước nắm giữ 100% hiện chỉ còn 1.200 doanh nghiệp. Cũng theo ông Dũng, cải cách DNNN là một trong ba trọng tâm cải cách kinh tế.

Lề mề vì khó định giá

Xét về ý chí Chính phủ và xu thế thì việc cổ phần hóa DNNN đang có rất nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa lại diễn ra chưa được như kỳ vọng.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, quyết tâm thực hiện cổ phần hóa đã thể hiện rõ ràng, chương trình cũng đã có nhưng cái khó là định giá DNNN khi chào bán ra bên ngoài. Quá trình định giá thường gắn với đất đai của DNNN có thể thuê hoặc được giao.

Ngoài vấn đề định giá thì TS. Võ Trí Thành còn cho rằng khó khăn khác đối với việc IPO DNNN là tìm được đối tác chiến lược gắn với đòi hỏi phải cải thiện trình độ quản lý. Một thử thách khác đối với quá trình cổ phần hóa là DNNN thường có số lao động rất lớn do đó sau khi cổ phần hóa nếu tái cấu trúc lại thì việc giải quyết lao động dôi dư rất phức tạp.

Ở góc độ của nhà đầu tư, Tiến sĩ Alan Phan cho rằng mục đích của họ là tìm kiếm những doanh nghiệp làm ăn tốt, giá tốt thì họ sẽ quan tâm đầu tư. Do đó vấn đề quan trọng là bản thân doanh nghiệp phải có quyết tâm cổ phần hóa.

Ông Alan Phan cũng nhấn mạnh tính minh bạch là yếu tố quan trọng trong định giá doanh nghiệp và một khi điều này thực hiện tốt thì việc tìm kiếm nhà tư chiến lược sẽ không khó.

Theo ông Alan Phan, giải pháp để tăng tính minh bạch là IPO cần gắn với việc niêm yết trên các thị trường chứng khoán trong nước hoặc quốc tế. Đây là cách tốt nhất để nhà đầu tư tin tưởng và thị trường sẽ là nơi định giá tốt nhất.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.