Trái với việc rầm rộ khách hàng xuống tiền vào condotel, officetel như cách đây hơn vài năm, hiện khách hàng lăn tăn khi xuống tiền dòng sản phẩm này. Nhiều cuộc hội thảo của doanh nghiệp có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Xây dựng từng lên tiếng việc phải nhanh chóng tạo ra tính pháp lý cho sản phẩm này. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, tiêu chuẩn, căn cứ pháp lý của dự án vẫn đang được các đơn vị nghiên cứu.
Theo lý giải của một cán bộ Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), các loại hình BĐS trên chưa được quy định, điều chỉnh cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS, về đất đai, đầu tư cũng như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với công trình xây dựng. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 quy định nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà luật này không cấm.
Do vậy, các địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý vận hành khai thác đối với các loại hình BĐS này, đặc biệt là việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn để lập quy hoạch, thiết kế đối với các dự án, vì không có cơ sở áp dụng theo loại hình công trình nào (nhà ở hay khách sạn) cho phù hợp. Nếu sử dụng ở lâu dài thì quy hoạch phải gắn với cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, dịch vụ thương mại… Nếu sử dụng lưu trú ngắn hạn thì quy hoạch, thiết kế, quản lý vận hành như công trình khách sạn.
Hiện, trong thời gian chờ ban hành quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng, cụ thể đối với các loại hình công trình này, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn, trả lời một số doanh nghiệp và địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Cụ thể, đối với dự án, công trình officetel, condotel mà các căn hộ ngoài sử dụng để kinh doanh cho thuê lưu trú ngắn hạn còn có thể sử dụng vào mục đích ở ổn định, lâu dài và hình thành đơn vị ở thì phải đáp ứng quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (trường học, sinh hoạt cộng đồng…) như đối với nhà chung cư. Đối với dự án, công trình mà các căn hộ chỉ sử dụng để kinh doanh cho thuê lưu trú ngắn hạn và không hình thành đơn vị ở thì có thể áp dụng quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về hạ tầng như đối với công trình khách sạn.
"Nhằm giải quyết vướng mắc trong công tác quản lý, Bộ Xây dựng đề xuất một số hướng xử lý. Về pháp luật xây dựng, cần nghiên cứu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể đối với từng loại công trình; bộ sẽ sớm nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền. Pháp luật về đất đai cần sửa đổi, bổ sung quy định về việc phân loại và cơ chế sử dụng đất hỗn hợp (vừa sử dụng là đất ở, vừa là đất thương mại dịch vụ) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; về tài chính đất đai, cần bổ sung quy định về thu tiền sử dụng đất đối với đất hỗn hợp để phù hợp với các loại hình BĐS nêu trên", vị này nói.
Mới đây nhất, bức xúc về việc phát triển quá nóng của loại hình BĐS mà thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành ký văn bản gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng. Theo đó, ông Đực cho rằng, cần xem xét lại việc xuất hiện và phát triển căn hộ officetel (tại TP.HCM mỗi dự án đều có thêm 10-20% căn officetel, đã có 10.000 căn và tiếp tục sắp có thêm 10.000 căn nữa). Các căn hộ này ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật và xã hội ở khu trung tâm, nèn chặt đô thị, nghẹt xe, vỡ hạ tầng công cộng.
Theo ông Đực, phần diện tích dịch vụ thương mại giáo dục để phục vụ cho cư dân, để dân không dùng các dịch vụ cộng đồng bên ngoài thì nay lại làm officetel, nghĩa là có người cạnh tranh với cư dân về dịch vụ công cộng bên trong và ngoài dự án, gây xung đột giữa cư dân căn hộ và cư dân officetel sau này.