Ô sin và những chuyện khôi hài khó đỡ

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD
Chuyện về “ô sin” (người giúp việc) cũng lắm... khôi hài! Nhiều khi chính vì “ô sin”, một nhân vật chẳng dây mơ rễ má gì trong gia đình, mà lại khiến cho không ít gia đình lục đục, thiệt hại cả về vật chất lẫn tình cảm!

Chín bỏ làm mười

Cô bạn tôi “một chồng hai con nhỏ”, công việc kinh doanh túi bụi bất kể giờ giấc, ông bà thì ở xa, rước một cô “ô sin” đang tuổi ăn tuổi nhớn ở quê ra đảm đương việc nấu nướng, dọn dẹp và bế trẻ con.

Có “ô sin” cũng thấy ổn ổn, hằng ngày đi làm về nhìn nhà cửa không lung bung, bừa bãi như trước kia khi anh xã làm “quản gia”. Chiều ở công ty về muộn cũng không phải sấp sấp ngửa ngửa ghé tạt vào chợ rau rau dưa dưa, về đến nhà lại tay năm, tay mười chuẩn bị cơm nước cho ba bố con. Hai đứa bé đi học tiểu học và gửi nhà trẻ cũng có người đón thay những hôm vợ chồng cô bận việc về muộn.

Ổn nhất là vợ chồng cô bạn tôi đỡ hẳn việc vừa hát, vừa múa, vừa dỗ dành, vừa nghiêm mặt, vừa bón cháo cho thằng bé con mới hai tuổi. Lạ cái là con bé “ô sin” này tài ghê. Nó chỉ nhong nhong bế thằng bé ra vườn hoa cạnh nhà, nhoáng cái 15 - 20 phút là cả chị cả em mặt mũi hớn hở vào nhà, giơ cao cái bát sạch bách.

Sau mấy tháng hí hửng với những “lợi ích” do “ô sin” mang lại, cô bạn bất ngờ “tá hỏa” khi chứng kiến một tình huống không biết nên cười hay nên... mếu. Một trưa ngày nghỉ nọ, anh xã đang thiu thiu ngủ cạnh thằng bé còn đang ngó ngoáy, ngọ ngoạy như “sâu trong kén”, hai mắt mở thao láo, miệng thì ê a... Cô vợ đang mải chúi vào máy tính, sai “ô sin” vào ru em ngủ. “Ô sin” vừa vào, chợt nhớ ra có việc, cô bạn cũng đi theo vào, ớ người ra khi thấy “con bé nửa trẻ con, nửa người lớn” đang lấy tay đẩy ông chú: “Chú nằm xích ra để chỗ cho cháu nằm ru em ngủ”!

Dở cười dở mếu, nhưng vì nó lại có họ hàng xa “bảy phát đại bác” ở quê nên cô “chín bỏ làm mười”, bởi thấy nó “dở dở ương ương”, trẻ con không ra trẻ con, người lớn không ra người lớn, vô ý vô tứ chứ không “âm mưu” gì, hơn nữa nó đỡ cho mình bao việc nhà, nó lại “chăm cơm chăm cháo” cho con mình tài thế. Ai dè, vụ này cô cũng bị... hố to.

Chăm con nhưng ô sin béo

Chẳng là cứ chắc mẩm được ăn uống bồi dưỡng, tẩm bổ, con mình cứ là “lớn nhanh như thổi”, hằng tháng cô lại kiểm tra cân nặng của con. Tháng đầu nó cũng tăng lên... mấy lạng thật. Cô bạn tôi hớn hở lắm, hy vọng cứ đà này thằng bé tăng cân từ từ tháng đầu rồi mấy tháng sau sẽ tăng vù vù cho mà xem.

Tháng thứ hai, mũi kim trên cân chẳng thấy nhúc nhích tẹo nào. Tháng thứ ba, hình như mũi kim còn đuối đuối xuống. Đến tháng thứ tư thì cô thấy cân nặng thằng bé tụt đi mất... 3 lạng! Xót con, cô hỏi “ô sin”: “Dạo này em có chịu ăn không?”. Nó dõng dạc: “Em ăn rào rào như tằm ăn rỗi ý chứ! Ngày nào cháu chả bón hết bát cháo sạch sành sanh”.

Nửa tin nửa ngờ. Chiều hôm sau, chờ “ô sin” bưng bát cháo, bế thằng bé ra vườn hoa như mọi khi, cô cũng đi theo ra đứng nấp theo dõi. Vẫn i sì như trước kia, bón cho thằng bé 10 thìa cháo thì nó nhè ra đến 8 thìa rưỡi. Thế là coi như đã... nỗ lực hết mình, hết trách nhiệm, “ô sin”... đàng hoàng tự bón cháo cho... mình, loáng cái, cái thìa nhựa vét quèn quẹt, bát cháo sạch bách.

Trời ơi, thảo nào dạo này con bé cứ tròn quay như con cun cút. Hóa ra bao nhiêu đồ ăn bổ béo mình dốc tiền dốc sức ra bồi dưỡng cho con thì lại vào hết con bé “ô sin”. Thế này thì công mình là “công dã tràng” à? Cô chạy ra “bắt quả tang” tại trận khiến con bé “ô sin”... chín vía còn có... tám.

Chưa kịp mắng câu nào, nó đã mếu máo, khóc lóc đổ tại rằng “bón, dỗ thế nào em cũng không ăn, chẳng nhẽ cháu đổ bát cháo đi? Còn nếu mang bát cháo về, cô không nuôi cháu nữa thì cháu lại phải về quê cày ruộng mất”.

Cô “giận thì giận, mà thương lại thương” nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vẫn để nó tiếp tục ở lại.

Gần tết, cô hì hụi lôi trong tủ bếp ra lọ trứng gà ngâm mật ong để bồi bổ cho chồng con. Mở nắp ra, thấy lọ vơi hết nửa. Hỏi chồng thì chồng nói có bao giờ biết ở nhà có cái lọ trứng ấy đâu, hỏi con bé lớn 6 tuổi thì nó ngơ ngác, chẳng nhẽ hỏi thằng bé con mới hai tuổi.

Đành hỏi đến “ô sin” thì cô nàng ấp úng mãi mới thú nhận “vì ăn thử một lần thấy ngon quá nên thỉnh thoảng lại... ăn thử một tí. Không ngờ mấy cái... một tí ấy mà vơi đi nửa lọ”.

Thế này thì làm sao mà chịu được nữa. Có “ô sin” tưởng có lợi, đằng này... hại chồng, thiệt con, khổ mình. “Ô sin” ơi là “ô sin”!

Theo Bùi Thúy Hạnh
Theo Thanh niên
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.