Một buổi trưa, họa sỹ Vi Kiến Thành, người anh đồng hương của tôi, gọi: “Đến gặp nghệ sỹ chuyên đóng vai nghèo mới ra Hà Nội”. Biết ngay nhân vật Vi Kiến Thành nhắc đến chính là NSƯT Công Ninh. Cả nước biết Công Ninh chuyên đóng vai nghèo, riêng gì tôi? Chỉ cần điểm qua hai vai diễn ấn tượng trên màn ảnh lớn, đủ thấy “danh hiệu” mà truyền thông, khán giả “tặng” cho anh hoàn toàn hợp lý.
Bộ phim điện ảnh đầu tiên Công Ninh được thủ vai chính là “Ai xuôi vạn lý” của đạo diễn Lê Hoàng. Người xem ám ảnh khôn nguôi bởi hình ảnh người lính với gương mặt khắc khổ luôn ngoái nhìn quá khứ. Vai Tấn trong “Ai xuôi vạn lý” giúp Công Ninh giành giải Bông sen vàng cho “Nam diễn viên xuất sắc nhất” tại LHP Việt Nam lần thứ 12, năm 1999. Hay vai Huy, một nhân vật bị khuyết tật cơ thể do di chứng của chiến tranh trong phim “Đời cát” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, chuyển thể từ truyện ngắn “Ba người trên sân ga” của nhà văn Hữu Phương…
Tôi thắc mắc với Công Ninh: Tại sao anh cứ “đóng đinh” với những vai khổ sở? Không muốn thay đổi hay sao? Công Ninh thú nhận: Cũng muốn đột phá nhưng chưa có nhiều cơ hội. Anh cũng từng diễn dạng vai khác song những vai khổ cực có số phận khắc nghiệt đã in sâu trong tiềm thức khán giả, không dễ xóa mờ.
Cuộc sống cũng công bằng lắm
Công Ninh sinh năm 1961. Anh quen với nỗi cơ hàn từ bé. Má anh làm nghề thợ may, một mình gồng gánh đàn con thơ. Ba chia tay má khi anh mới 3 tuổi. Năm Công Ninh lên 12 tuổi anh đã biết phụ mẹ bán trà đá, bánh cam… Anh đã từng có thời gian ngắn phải nghỉ học ở nhà vì mẹ không kham nổi gánh nặng kinh tế. 14 tuổi, Công Ninh làm quen với thuốc lá. Mấy chục năm buồn vui cùng khói thuốc, đến khi bệnh viêm phổi nặng đổ sập xuống mới khiến Công Ninh biết sợ, vĩnh biệt thuốc lá từ đó. Cái nghèo đeo đẳng mãi, cả khi bước chân vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, anh vẫn vừa học, vừa mưu sinh với nghề giữ xe ở Cung văn hóa lao động TP Hồ Chí Minh. Hình như cuộc đời nhân vật phần nào “ám” vào đời Công Ninh? Anh cũng nhận thấy: “Giữa nhân vật tôi đóng trên phim với tôi ngoài đời, có mối liên hệ với nhau. Có lẽ số phận của nghệ sỹ thường giống những nhân vật mình thủ vai. Thí dụ, tôi đóng những nhân vật hay bệnh, cuối cùng tôi cũng bị bệnh”.
Năm 2017, Công Ninh vắng mặt trên giảng đường, trên màn ảnh, về sau đồng nghiệp, học trò, báo chí mới biết anh đang đấu tranh với bệnh tật. Biết hoàn cảnh Công Ninh vợ trẻ, con thơ dại, kinh tế không rôm rả, nhiều người hò nhau quyên góp giúp đỡ anh trong cơn hoạn nạn. Chẳng ngờ Công Ninh từ chối tất. Hôm nay, khi bệnh tật lùi ở phía sau, tôi hỏi người chuyên đóng vai nghèo: “Cái tôi” nghệ sỹ quá cao có làm khó anh trong cuộc sống không? Hồi đó, sao anh từ chối mọi sự giúp đỡ? Công Ninh từ tốn giải thích: “Tôi rất cảm động trước những tấm lòng. Nhưng trong khoảnh khắc đó, tôi thấy chưa cần thiết lắm. Bản thân tôi có thể tự lo được vì tôi có bảo hiểm y tế, tôi đi làm cũng để dành được chút đỉnh, để trang trải khi cần. Nên dành tiền quyên góp cho những số phận khác cần thiết hơn tôi, những người đang bước vào cung đường tuyệt vọng hơn tôi. Còn tự lo được thì tôi không muốn phiền lòng bạn bè cùng những người đã thương quí tôi”.
Cuối năm 2018, Công Ninh trở lại phim trường, vào vai người cha có cô con gái bị tạt axit, trong bộ phim truyền hình “Hoa cúc vàng trong bão”. Sau khi chiến thắng bệnh tật anh nhận được “mưa” lời mời tham gia phim ảnh đến mức phải từ chối khéo vì không đáp ứng nổi. Thời gian này, dịch bệnh hoành hành ảnh hưởng không ít đến công việc của anh. Tháng 4, Công Ninh trở lại với một dự án của đạo diễn “Gạo nếp, gạo tẻ”: “Mà chẳng hiểu có quay được không, trước tình hình dịch bệnh thế này?”, anh tự hỏi. Nhưng Công Ninh không chịu cảnh “ngồi chơi xơi nước” như nghệ sỹ khác.
Công Ninh và con gái Nguồn: Internet
Hiện nay, anh đang đảm đương vị trí Quyền Trưởng Khoa Điện ảnh và Truyền hình, Trường Sân khấu- Điện ảnh TPHCM. Thời dịch bệnh anh vẫn giảng dạy qua hình thức online. Nhờ công việc giảng dạy, anh luôn đánh giá thế hệ trẻ bằng thái độ tích cực: “Lực lượng nghệ sỹ trẻ hiện nay rất phong phú. Nói chung thế hệ chúng tôi đã qua rồi. Bây giờ khán giả đón nhận thế hệ trẻ, bởi họ có nhiều tài năng, có nhiều sáng tạo độc đáo lắm, tôi dạy học trò tôi biết. Bản thân họ cập nhật đời sống xã hội rất nhanh, tất nhiên có những bất cập, nhưng điều đó không phổ biến. Đa phần những nghệ sỹ trẻ đáp ứng được thị hiếu của khán giả. Họ quán xuyến toàn bộ mặt bằng giải trí của xã hội mình, trên tất cả lĩnh vực, từ truyền hình, phim ảnh, rồi sân khấu, đặc biệt trong lĩnh vực ca nhạc, thế hệ trẻ tỏ ra rất nhanh nhạy, fan rất đông”. Liệu người chuyên đóng vai nghèo có đông fan không? Tôi tò mò. Công Ninh cười: “Tôi diễn chung với tụi nó, ăn theo tụi nó cũng được”.
Rất nhiều gương mặt đình đám của làng giải trí hiện nay là học trò của Công Ninh như Trấn Thành, Việt Hương, Thái Hòa, Trịnh Kim Chi, Quyền Linh, Thanh Thúy… Chuyện cát-xê học trò cao hơn cát-xê của “người lái đò” không làm nghệ sỹ, giảng viên lâu năm này phiền lòng: “Cuộc sống cũng công bằng lắm. Khi tôi ở giai đoạn thăng hoa trong nghệ thuật thì thị trường giải trí hạn hẹp. Còn thị trường giải trí bây giờ rộng hơn rất nhiều, nhà sản xuất thu lợi nhuận cao hơn, nên chi trả cho nghệ sỹ tốt hơn, cũng hợp lí thôi. Mỗi một hoàn cảnh xã hội có niềm vui riêng, có giá trị riêng không thể so bì được”.
Công Ninh nhận mình là thế hệ nghệ sỹ thời bao cấp, “hồi đó, mức cát-xê bèo bọt, đủ sống là mừng”. Khi bước qua kinh tế thị trường những nghệ sỹ như Công Ninh ít nhiều bị chơi vơi: “Thế hệ chúng tôi bây giờ làm nền cho các bạn trẻ thôi”, anh thản nhiên nhận.
Xưa, trông cũng “được” trai
Bảo anh là diễn viên chuyên đóng vai nghèo, anh nhận luôn, không biện minh. Bảo anh là diễn viên xấu trai nhất nước Việt anh cũng chịu luôn, song vẫn kèm lời giải thích: “Xưa tôi cũng được trai chứ bộ, chẳng qua mấy năm du học đã “bào mòn nhan sắc” của tôi”. Ấy là những năm tháng nghệ sỹ học ở Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Lê-nin-grat: “Hồi đó, tôi bị stress nặng lắm luôn. Vì tôi quen sống ở Sài Gòn, sang Nga phải làm quen với khí hậu khắc nghiệt.
Thêm nữa, chương trình học của họ nặng quá. Ngoại ngữ của tôi chưa được tốt. Quá trình học và tiếp cận kiến thức những năm đầu rất vất vả, tôi luôn bị thầy la, luôn lo sợ bị đuổi về nước. Hai năm đầu tôi stress liên tục, 3 năm sau mới hòa nhập được, yên tâm hơn, bớt stress”. Sau 5 năm học tập ở Nga anh có tấm bằng thạc sỹ, song từ đó trở thành nam diễn viên xấu xí, cơ hội tỏa sáng tưởng bị co hẹp. Nhưng không, màn ảnh vẫn cần những nam diễn viên kém “mã”, tài năng, nghề đạo diễn và đứng bục giảng lại ít dùng đến “nước sơn”, thế là Công Ninh thoải mái dụng võ. Năm 1995, có thể coi là năm của Công Ninh khi anh thành công rực rỡ trong vai trò đạo diễn vở kịch “Dạ cổ hoài lang” với sự tham gia của những “ngôi sao” Thành Lộc, Hồng Vân, Quốc Thảo… Dấu ấn với sân khấu của Công Ninh còn phải kể đến những vở: “Gái giang hồ quốc tế”, “Êlêna thân yêu”, “Nơi dòng sông dừng lại”… Song đã lâu, Công Ninh xa sân khấu, giai đoạn này, anh chuyên tâm giảng dạy và đóng phim.
Ngại ra đường, tìm niềm vui bên vợ trẻ, con thơ
Công Ninh là một trong những nghệ sỹ Việt lập gia đình muộn. Ở tuổi ngũ tuần, anh mới xây dựng tổ ấm với người phụ nữ kém mình 22 tuổi, là một học trò cũ của anh.
Làm thế nào để có một tổ ấm đúng nghĩa bên người vợ kém nhiều tuổi? Thì đây, bí quyết của Công Ninh: “Cũng có những bất đồng trong suy nghĩ vì hai thế hệ khác nhau. Nhưng mình là người lớn, trong những mâu thuẫn thì nhường nhịn, không đối kháng, nếu đối kháng chẳng giống “ăn hiếp” hay sao? Người trẻ bao giờ cũng háo thắng”.
Niềm vui của Công Ninh thật giản dị, như bất cứ công chức nào, cứ xong việc anh lại trở về với vợ con: “Rảnh thì tôi lên mạng đọc báo, coi phim, thế thôi. Tôi ngại ra đường lắm, vì làm việc cũng mệt lắm rồi. Về đến nhà muốn nghỉ ngơi, lấy sức để mai còn đi làm tiếp”. Anh chia sẻ thêm: “Thỉnh thoảng bạn bè rủ đi ăn uống tôi cũng đi. Nhưng nói chung, tôi ít bù khú lắm”.
Giải thưởng lớn nhất trong cuộc đời Công Ninh chính là con gái, anh đặt cho con nickname “Oscar” với ý nghĩa đó. Tên thật Oscar là Vành Khuyên, vì trong mắt Công Ninh, con gái giống như con chim nhỏ vui hót líu lo. Nay, Vành Khuyên đã 6 tuổi. Nhiều năm qua, câu hỏi anh hay nhận được vẫn là: “Bao giờ sinh thêm con?”. Không phải vợ chồng anh không muốn nhà cửa thêm tiếng cười song cho đến tận bây giờ, anh vẫn chia sẻ lí do cũ: “Chưa dám nghĩ đến đứa thứ hai vì cuộc sống khó khăn”. Tôi hỏi anh đã mua nhà chưa, anh “khai”: “Chúng tôi đang mua căn hộ trả góp”.