Ðời buồn hơn phim
NSND Trần Hạnh qua đời lúc 2h50 sáng 4/3 tại nhà riêng ở Hà Nội, khép lại cuộc đời buồn khổ nhiều hơn hạnh phúc. Sự cơ cực của đời sống mưu sinh đeo bám từ tuổi thơ tới khi xế bóng. Ở tuổi 90, Trần Hạnh vẫn lọ mọ trông cửa hàng nhỏ cho con cái ở gần ga Trần Quý Cáp. Khi còn sống, ông tự cười mà thừa nhận cuộc đời mình còn buồn khổ hơn cả phim ảnh.
Trần Hạnh sinh ra ở Hà Nội trong gia đình không có gen nghệ thuật. Mồ côi cha từ năm 8 tuổi nên Trần Hạnh sớm tự lập kiếm sống. Nghề đóng giày gắn với Trần Hạnh từ thời thanh niên cho tới tận năm 30 tuổi, khi đã một vợ ba con. Nghiệp diễn xuất đến với Trần Hạnh là cơ duyên, may mắn khi được lãnh đạo Sở Văn hóa Hà Nội thời bấy giờ yêu mến và giới thiệu về Đoàn Kịch nói Hà Nội (Nhà hát kịch Hà Nội).
Không theo bạn bè cùng lứa trong câu lạc bộ kịch như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng học hành bài bản, Trần Hạnh chọn về Đoàn Kịch nói Hà Nội để nhận đồng lương cao hơn nuôi vợ con. Cái vận khổ theo ông tới gần cuối đời, gần chục năm phải chăm vợ đau ốm vì tai biến cho tới khi nhắm mắt năm 2011. Người con trai út cũng ngơ ngẩn do tai nạn giao thông đều một tay ông chăm sóc. Ông có một người con gái tháo vát nhưng tiếc thay vắn số. Niềm an ủi của ông là cô con dâu có hiếu, luôn chăm lo cho ông những tháng ngày cuối đời.
Trần Hạnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú khá sớm, năm 1984. NSƯT Thanh Tú kể, ngày ấy nhiều nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội bị làm khó, chỉ mình Trần Hạnh được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Thế nhưng mãi tới năm 2019 ông mới được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Bao đợt xét tặng đều “trượt” vì khúc mắc hồ sơ. Sự ghi nhận chính thức này dù muộn cũng hơn không, ít ra năm 2019 ông còn đủ sức run run bước lên sân khấu nhận sự vinh danh đó.
“Anh Trần Hạnh là người rất hiền lành, tử tế nhưng có vẻ hơi sợ hãi. Anh ấy sợ từ lãnh đạo cho tới bạn bè, cứ như sợ mất lòng họ vậy. Anh ấy chịu đựng nhiều quá, cả đời vất vả khổ cực nên anh em làm phim đều thương quý”, NSND - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói. NSƯT Lê Mai kể, sau này về hưu, Trần Hạnh có ý tránh mặt nhiều đồng nghiệp ở Nhà hát do nghĩ quá nhiều tới hoàn cảnh riêng. “Anh Trần Hạnh là người nghèo khổ và bất hạnh quá. Anh ấy luôn thu mình, quá khiêm tốn”, NSƯT Thanh Tú nói.
Nghệ sĩ có lửa
Khán giả sau này biết tới NSND Trần Hạnh nhiều hơn ở các phim điện ảnh, truyền hình. Phim nào hầu như cũng vào vai người cha, người ông khắc khổ và cơ cực. Không thể không nhắc tới vai ông Bí thư đảng uỷ trong Làng nổi, bố An trong Chuyện cổ tích tuổi 17, bố Lài trong Tướng về hưu, ông Khiển trong Người cầu may, ông Lâm trong Chiếc bình tiền kiếp, bố Mai trong Hãy tha thứ cho em và hàng loạt vai diễn sau này trong Ngõ lỗ thủng, Ma làng, Đất và người. Tuy nhiên, với đồng nghiệp cùng thời, Trần Hạnh chính là một gương mặt sân khấu đáng nhớ của Nhà hát Kịch Hà Nội.
“Thời trẻ Trần Hạnh nổi tiếng trên sân khấu đấy, đóng hay lắm. Vai Nguyễn Trãi trong kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa rất tuyệt vời. Sau giải phóng miền Nam, đây là một trong những vở đầu tiên của Đoàn Kịch nói Hà Nội được vào Nam diễn và được khán giả yêu mến”, NSƯT Lê Mai nói. Thời đó, bà đóng vai học trò của Nguyễn Trãi trong kịch thơ nổi tiếng này. Vai diễn cũng mang về huy chương vàng cho Trần Hạnh.
“Trần Hạnh cực kỳ có duyên với sân khấu. Có duyên sân khấu ở đây có nghĩa bên ngoài trông hết sức bình thường nhưng lên sân khấu hoàn toàn biến thành người khác. Đôi mắt sáng trưng lên rất đẹp, anh Hạnh diễn rất dễ thương và có lửa. Cái duyên sân khấu kỳ lạ ấy chỉ có thể là trời cho”, NSƯT Thanh Tú nhận định. Bà đóng cùng NSND Trần Hạnh trong nhiều vở như Âm mưu và tình yêu, Tiền tuyến gọi, sau này còn có phim như Chuyện cổ tích tuổi 17. Thanh Tú đánh giá Trần Hạnh có gương mặt đặc chính diện, cực kỳ dễ dàng và hợp các vai chính diện, thậm chí “khó ai thay được các vai chính diện của Trần Hạnh trên sân khấu”.
Trong một cuốn sách, Lưu Quang Vũ nhận xét Trần Hạnh đóng Nguyễn Trãi toát lên phong thái hào hoa rất Hà Nội. Hình thể ngoài đời không phải lợi thế của Trần Hạnh, nhưng một Trần Hạnh của sân khấu lại khiến người ta ngạc nhiên. Giới trong nghề còn nể ông ở giọng nói rất đẹp. “Khi Trần Phương đóng phim Tiền tuyến gọi, người phụ trách thu âm và lồng tiếng ở hãng phim không ưng giọng của Trần Phương. Biết bao người thử lồng tiếng đều không đạt, tôi liền giới thiệu Trần Hạnh. Trần Hạnh vừa bắt đầu thoại một câu liền nhận được cái vỗ tay vì họ tìm mãi mới được chất giọng cương trực như thế”, NSƯT Thanh Tú kể.
NSND Trần Hạnh được nhiều đạo diễn thế hệ sau thương quý, thường xuyên lôi kéo đi làm phim để ông có thêm đồng ra đồng vào, nhưng thường mời vai ngắn và làm phim ở gần để ông sáng đi tối về tiện chăm sóc con cái. Năm 2017, ông cũng tham gia vai ngắn trong phim điện ảnh Cha cõng con của Lương Đình Dũng. Sau đó gần như ông vắng bóng trên màn ảnh.
Thế hệ nghệ sĩ nghiêm túc
NSND, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần hợp tác với NSND Trần Hạnh trong phim Chiếc bình tiền kiếp, đây là phim đầu tiên Trần Hạnh đóng vai chính, tham gia cùng nghệ sĩ Hòa Tâm, NSND Trịnh Thịnh. “Tôi đưa đoàn làm phim về quê ở Văn Giang, Hưng Yên quay. Ba diễn viên già ở nhà dân, sống chan hòa cởi mở với dân làng nên ai cũng quý mến. Tới bây giờ nhiều người còn hỏi thăm bác Trần Hạnh”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhận định cả cuộc đời Trần Hạnh làm nghề nghiêm túc, không bao giờ để ai phải nói động đến mình. “Sau này còn vài dịp hợp tác làm phim truyền hình như Ma làng, Đất và người, mỗi lần người của đoàn phim đến đón bác ấy đi quay đều thấy Trần Hạnh sẵn sàng phục trang, đạo cụ. Lớp diễn viên như Trịnh Thịnh, Trần Hạnh làm nghề một cách đứng đắn, say mê, yêu nghề vô cùng. Dù vai nhỏ nhưng khi đã nhận lời họ đều hết sức nghiêm cẩn”, đạo diễn Hữu Phần nói.