Kỷ niệm lớn nhất của chị với NSND Trần Hạnh là gì?
NSND Hoàng Cúc: Khi lứa chúng tôi Minh Vượng, Hoàng Dũng, Hoàng Cúc… về Nhà hát thì Trần Hạnh đã bắt đầu đóng ít rồi. Anh ấy nghỉ hưu sau đó đi làm phim. Kỷ niệm lớn nhất của tôi là đóng “Tướng về hưu” cùng với anh ấy.
NSND Trần Hạnh trong cuộc sống đời thường
Chị có thể phác thảo chân dung NSND Trần Hạnh?
NSND Hoàng Cúc: Anh ấy lúc nào cũng khổ ải, cũng nhún mình, lúc nào cũng co mình lại, nhưng khẩu khí của anh sâu sắc, thâm thúy, đầy hàm ý. NSND Trần Hạnh là diễn viên đa tài, đa dạng nhưng anh hạn chế về hình thể, lúc nào trông cũng khổ, cũng tủi phận, cũng nhún nhường song bao giờ cũng có nụ cười thường trực trên môi. Cái tủm tỉm của Trần Hạnh chứa đầy hàm ý. Lứa tuổi của bọn tôi, mỗi khi anh Trần Hạnh nói gì là cứ phải nghĩ (Cười). Có khi anh ấy chỉ buông câu đùa thôi nhưng vẫn nghĩ không biết Trần Hạnh đang nói mình hay nói ai nhỉ? NSND Trần Hạnh của ngoài đời là như thế!
NSND Trần Hạnh trong "Ngõ lỗ thủng"
Còn trên màn ảnh hay sân khấu, anh ấy đốt hết mình. Anh chịu khó đến mức gần như không nề hà bất kỳ một vai nào cả. Mà Trần Hạnh có cách diễn riêng, không thể nhầm lẫn. Cách diễn của anh ấy rất sâu sắc, phong cách chính kịch, không phải hài kịch. Xem mặt anh ấy khi diễn cảnh đau khổ, hay ngắm nụ cười ấy đôi khi lại thành hài. Thí dụ, xem trong “Tướng về hưu” anh bị cô Thủy mắng nên mặt tồi tội. Bộ phim đã qua hai chục năm nhưng mỗi khi nhắm mắt lại tôi vẫn không quên ánh mắt anh ấy, nụ cười anh ấy. Một khi Trần Hạnh đã vào vai là bộ mặt khắc sâu, không quên được. Khi Trần Hạnh làm nghề thì không bàn, không nói được.
NSND Trần Hạnh trong "Cha cõng con"
Ai đã đi làm phim với Trần Hạnh thì chắc chắn một điều, anh là một thế hệ mà chúng tôi và nhất là thế hệ trẻ bây giờ phải học khủng khiếp. Trần Hạnh nghiên cứu kỹ lắm. Ra một cái người ta thấy chất vai luôn. Trong “Tướng về hưu” tôi đóng với anh vài phân đoạn thôi nhưng chắc chắn lắm, cảm giác nghệ sỹ như một đá tảng. Chỉ cần một ánh mắt của anh đã đầy hàm ý. Thế hệ đó thế hay diễn viên kịch nói thế thì tôi không biết! Nhưng Trần Hạnh, Trần Kiếm hay ông Trịnh Mai, hay thế hệ sau này như Hoàng Dũng, Trần Vân… những diễn viên kịch nói có những đoạn diễn như không diễn, có những đoạn đã diễn là diễn đến nơi đến chốn. Trần Hạnh với hình thể gầy gò, ốm yếu, co ro, đường rãnh của thời gian hằn trên nét mặt, vào vai một cái “ăn” ngay. Thế nên tôi nghĩ, các diễn viên khi đã đóng phim, phim có số phận sinh động, nên hạn chế tối đa về thẩm mỹ, thì sẽ ra được nhân vật sắc cạnh, đa chiều.
NSND Trần Hạnh và cố NSƯT Trần Vân trong một vở kịch
NSND Trần Hạnh có bao giờ than thở về điều kiện sống của mình không?
NSND Hoàng Cúc: Ai cũng biết điều kiện sống của anh Hạnh so với diễn viên thời anh ấy, có những hoàn cảnh éo le. Anh ấy không than thở bao giờ. NSND Trần Hạnh là người nuốt tất cả vào trong. Anh cống hiến hết mình cho gia đình, không than thở.
Trong hậu trường sân khấu, Trần Hạnh có hòa đồng không hay một mình một góc?
NSND Hoàng Cúc: Đấy là cá tính của người ta mà. Nhưng anh Trần Hạnh chả làm phiền đến ai cả. Mà anh ấy cũng chẳng cần phải tỏ ra hòa đồng với mọi người. Người ta có một chỗ đứng nhất định và cá tính của người ta như thế. Sự hòa đồng không có ý nghĩa gì cả. Nghệ sỹ là một độc thể. Càng độc thể bao nhiêu càng sáng tạo phong phú bấy nhiêu.
Chị có hay gặp NSND Trần Hạnh không?
NSND Hoàng Cúc: Có chứ. Có điều gần đây anh ấy ốm nhiều quá thì anh ít xuất hiện thôi. Năm nay tết ông Công ông Táo lại vướng COVID thì mọi người không tập trung, còn bình thường chúng tôi vẫn gặp nhau.