Những vai diễn để đời của NSND Trần Hạnh gắn liền với nhiều thế hệ khán giả

0:00 / 0:00
0:00
NSND Trần Hạnh qua đời ở tuổi 92.
NSND Trần Hạnh qua đời ở tuổi 92.
TPO - NSND Trần Hạnh để lại dấu ấn trong lòng khán giả Việt với những vai diễn chất phác, đôn hậu, có hoàn cảnh khắc khổ.

NSND Trần Hạnh vừa qua đời vào rạng sáng ngày 4/3, hưởng thọ 92 tuổi, để lại nhiều tiếc thương trong lòng nhiều thế hệ khán giả Việt. Ông ra đi, nhưng những vai diễn của ông vẫn luôn ghi dấu ấn trong lòng công chúng yêu phim.

Xuất thân từ Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Trần Hạnh từng đạt đến đỉnh cao sự nghiệp vào cuối những năm 1970, đầu những năm 1980, với nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc. Khởi nghiệp bằng sân khấu kịch, NSND Trần Hạnh lại được công chúng biết đến nhiều qua các vai diễn trong phim điện ảnh và truyền hình. Dù đa số đóng vai phụ, ông vẫn nhận được sự yêu mến qua các vai diễn ấn tượng.

Là người Hà Nội gốc, NSND Trần Hạnh lại khiến khán giả nhớ nhiều nhất đến những vai diễn nông dân chất phác, hiền lành, hay hóa thân thành những nhân vật có hoàn cảnh khắc khổ. Chính vì thế, ông được mệnh danh là “lão nông” của màn ảnh Việt.

Tướng về hưu

Những vai diễn để đời của NSND Trần Hạnh gắn liền với nhiều thế hệ khán giả ảnh 1  

“Tướng về hưu” là bộ phim tâm lý xã hội của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, ra mắt vào năm 1988. Truyện phim dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Phim kể về ông Thuấn (Mạnh Linh đóng), một vị tướng rời quân ngũ trở về nhà nhưng lại bị lạc lõng trong chính gia đình. Trong thời mở cửa, khi đồng tiền chi phối mọi mối quan hệ, ông Thuấn như người xa lạ trong chính ngôi nhà của mình trước cô con dâu sắc sảo, người con trai nhu nhược và một bà vợ lẩn thẩn.

Trong phim, NSND Trần Hạnh thủ vai ông Cơ, bố của Lài (Tú Oanh đóng), làm giúp việc trong nhà ông Thuấn. Sau này, vì quyết định vô tình của ông Thuấn, bố con ông Cơ rơi vào đường cùng. Ông Cơ mất mạng, còn Lài từ một con người lương thiện bị hoàn cảnh thay đổi.

Thời xa vắng

Đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh cho ra mắt bộ phim “Thời xa vắng” vào năm 2003, dựa trên tiểu thuyết cùng tên kết hợp với một phần truyện ngắn "Bến sông" của nhà văn Lê Lựu.

Phim lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam kể từ năm 1954 và kéo dài hàng chục năm về sau. Vì hủ tục lạc hậu ở làng quê, nhân vật Giang Minh Sài mới lên 12 tuổi đã được bố mẹ cưới cho một cô vợ hơn tuổi tên là Tuyết. Sài lớn lên với sự ghẻ lạnh, khinh ghét vợ và tình yêu dành cho cô bạn học tên Hương.

Những vai diễn để đời của NSND Trần Hạnh gắn liền với nhiều thế hệ khán giả ảnh 2 NSND Trần Hạnh vào vai người bố hiền lành nhưng lạc hậu.

Trong phim, NSND Trần Hạnh vào cụ Đồ, bố của Giang Minh Sài trong phim. Dù xuất hiện rất ngắn trong đoạn đầu, ông gây ấn tượng với lối diễn chân thật. Bố Sài là người hiền lành nhưng mang nặng tư tưởng lạc hậu. Ông cưới vợ sớm cho con và luôn vun vén cho cuộc hôn nhân đó, không muốn mang điều tiếng với xóm làng.

Cuốn sổ ghi đời

“Cuốn sổ ghi đời” của đạo diễn Tất Bình là bộ phim truyền hình đầu tiên, cũng là tác phẩm mà NSND Trần Hạnh tâm đắc nhất. Trong phim, ông vào vai ông Cần – người cha nghèo khổ trăn trở bao nhiêu năm đi nhặt vỏ lon bia bán kiếm tiền, với hy vọng mua được cho mỗi đứa con một mảnh đất để khỏi “ra đụng vào chạm”. Kiếm được tiền, ông đều ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ, nhưng đến khi chết tâm nguyện không thể hoàn thành.

Bộ phim lấy đi vô số nước mắt của khán giả. Tác giả kịch bản bộ phim còn gửi thư cảm ơn cho đoàn làm phim, đồng thời tặng riêng 500.000 đồng cho “ông Cần” Trần Hạnh vì đã truyền tải đúng ý đồ của biên kịch. NSND Trần Hạnh từng tiết lộ, rất đồng cảm với nhân vật vì hoàn cảnh đời thực của ông cũng không khác nhân vật Cần là bao.

Ngõ Lỗ Thủng

Ngõ Lỗ Thủng là bộ phim truyền hình dài 29 tập của đạo diễn Trần Quốc Trọng, dựa trên hai cuốn tiểu thuyết “Ngõ lỗ thủng” và “Tiễn biệt những ngày buồn” của nhà văn Trung Trung Đỉnh.

Những vai diễn để đời của NSND Trần Hạnh gắn liền với nhiều thế hệ khán giả ảnh 3  

Phim lấy bối cảnh thời kỳ bao cấp của những năm 80 thế kỷ trước. Trong phim, NSND Trần Hạnh vào vai ông Thống, bố của Hạnh và Sương. Ông Thống dù sống nghèo khổ cả đời, nhưng không chấp nhận lối sống thực dụng, bất chấp mọi thứ để kiếm tiền của hai con gái. Tuy nhiên, do tính cách hiền lành, ông chỉ đành bất lực nhìn các con ngày một xa dần.

Vai diễn này giúp NSND Trần Hạnh được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Cống hiến tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010.

Người đàn bà thứ hai

“Người đàn bà thứ hai” là tác phẩm của đạo diễn Vũ Hồng Sơn và Đỗ Chí Hướng, chiếu vào cuối tuần trong chương trình Rubic 8 trong năm 2009. Phim thu hút được nhiều sự quan tâm của nhiều khán giả, đặc biệt là phái nữ, khi đề cập đến chủ đề muôn thuở: mẹ chồng – nàng dâu.

Phim xoay quanh cuộc sống hôn nhân của cặp vợ chồng son Linh – Đạt, một cô gái Hà Nội xuất thân gia đình khá giả và chàng trai nghèo ở Sơn La. Mẫu thuẫn bắt đầu khi bố mẹ Đạt xuống Hà Nội sống cùng đôi vợ chồng trẻ.

Những vai diễn để đời của NSND Trần Hạnh gắn liền với nhiều thế hệ khán giả ảnh 4  

Trong phim, NSND Trần Hạnh vào vai bố đẻ của Đạt. Nhân vật này là một người đàn ông hiền lành, có phần nhu nhược, bất lực trước “cuộc chiến” căng thẳng giữa vợ và con dâu. Vai diễn của ông vừa khiến khán giả thương cảm, lại gây nhiều ức chế vì là đàn ông trong gia đình lại không có tiếng nói gì khiến mâu thuẫn ngày một gay gắt.

Ngoài ra, NSND Trần Hạnh còn được biết đến qua nhiều tác phẩm cả điện ảnh lẫn truyền hình khác như “Làng nổi” (vai Bí thư Đảng ủy), “Truyện cổ tích tuổi 17” (vai bố An), “Người cầu may” (vai ông Khiển), “Chiếc bình tiền kiếp” (vai ông Lâm), “Hãy tha thứ cho em” (vai bố Mai)… Ở Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 11 – 1996, ông đoạt giải “Nam diễn viên xuất sắc nhất” trong phim “Nước mắt đàn bà”. Bộ phim điện ảnh cuối cùng của ông trong “Cha cõng con”, vào vai ông mù.

Theo T/h
MỚI - NÓNG