Nông sản sạch tại Hà Nội cần đầu mối liên kết

Chi cục Thú y kiểm tra gia cầm tại các chợ.
Chi cục Thú y kiểm tra gia cầm tại các chợ.
TP - Nhiều vùng nguyên liệu sạch đang gặp khó khăn ở khâu kết nối. Cơ quan chức năng cho rằng, để người dân được dùng thực phẩm sạch, rất cần có một doanh nghiệp đầu mối đủ tầm để xây dựng chuỗi sản xuất nông sản.

Hà Nội thiếu rau sạch

Trao đổi với Tiền Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho rằng, hệ thống tiêu thụ nông sản hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Nông dân trồng rau tiêu thụ không được thu mua phải bán ra chợ ngoài cho thấy hệ thống phân phối chưa đảm bảo. Các hợp tác xã (HTX) hiện nay thu mua cầm chừng bởi họ không được hưởng lợi trong việc thu mua nông sản của nông dân. Hiện nay, nhiều HTX đề nghị tính phần trăm trên sản lượng thu mua nhưng bao nhiêu phần trăm thì vẫn chưa có đơn vị nào tính được. Khó khăn này đẩy việc tiêu thụ sản phẩm đến các tiểu thương. “Đang có một nghịch lý là, trong khi rau trồng tại các vùng rau tại Hà Nội mới cung ứng khoảng 60% nhu cầu của người dân thì rất nhiều rau trồng từ Hà Nội lại được bán đi các tỉnh lân cận”, lãnh đạo Sở NN&PTNT khẳng định.

“Thực phẩm sạch thì nhiều nhưng làm thế nào để người dân biết mới quan trọng. Đó là lý do cần chuỗi liên kết”.   

Ông Tạ Văn Tường

Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội

Muốn đảm bảo nông sản được thu mua, cần thiết có một doanh nghiệp đầu mối đủ tầm đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm. Ông Ngọc cho rằng: Không có cơ quan quản lý nào kiểm tra, giám sát được từng hộ nông dân. Khi có hệ thống phân phối tốt sẽ tác động trở lại sản xuất. Đồng thời, sẽ tạo nên cơ chế kiểm tra giám sát giữa các hộ nông dân, giúp cho chất lượng rau củ ngày càng được nâng cao. Cơ quan quản lý cũng sẽ giám sát theo hình thức bất chợt kiểm tra lấy mẫu. Đối với nông sản tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT sẽ báo về địa phương, yêu cầu địa phương kiểm tra dây chuyền sản xuất của cả vùng rau an toàn. Hiện nay, thực hiện Thông tư 51 của Bộ NN&PTNT, tất cả các hộ nông dân sản xuất tại vùng chăn nuôi, trồng trọt đều phải ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đây, địa phương sẽ tự kiểm tra, giám sát, yêu cầu dừng sản xuất những hộ vi phạm cam kết.

Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho hay, cần tuyên truyền, thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Nếu cứ tiện đâu mua đấy thì sản xuất theo mô hình VietGap rất khó thành công. Khi tạo được niềm tin giữa người sản xuất và người tiêu dùng thì người tiêu dùng sẵn sàng bỏ chi phí cao hơn để mua sản phẩm chất lượng hơn.

Tương lai ở những cửa hàng thực phẩm sạch

Không chỉ rau, củ, quả, mặt hàng thịt cũng đang là nỗi lo mất ATVSTP của ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, thành phố đang có tới 1.074 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không kiểm soát được chất lượng. Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ này cung cấp sản phẩm thịt đến 1.424 chợ “cóc” có kinh doanh sản phẩm thịt động vật trên địa bàn. Ông Sơn cho rằng: Với lực lượng hiện nay, rất khó có thể kiểm soát được hơn 1.000 chợ như vậy. Đồng thời, thành phố đã có phân cấp quản lý đến chính quyền địa phương, quy hoạch khu giết mổ tập trung tại các huyện… nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được.  Đây chính là lỗ hổng trong quản lý thịt gia súc, gia cầm. Ông Sơn cho biết thêm, Hà Nội cũng có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, được kiểm dịch 100%, quá trình giết mổ được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên hầu như tất cả mới đạt 10 – 15% công suất thiết kế do chi phí cao và không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Theo ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, vấn đề cốt lõi cần có một doanh nghiệp đầu mối đứng ra xây dựng liên kết chuỗi chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm khép kín. Phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn, tạo gắn kết các khâu, giảm được chi phí trung gian. “Thực phẩm sạch thì nhiều nhưng làm thế nào để người dân biết mới quan trọng. Đó là lý do cần chuỗi liên kết”, ông Tường khẳng định. Đối với nhiều cửa hàng trưng biển thực phẩm an toàn hiện nay, ông Tường cho rằng: Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch sẽ là tương lai của tiêu dùng nông sản Thủ đô. Tuy nhiên, hiện nay các cửa hàng này đều phải tự “bươn chải” để kiếm nguồn hàng cho mình do không chứng minh được nguồn gốc an toàn, không đủ tính pháp lý… Trung tâm cũng đã có chương trình để quản lý việc này, giúp những cửa hàng thực phẩm sạch phát triển trong thời gian tới.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Ngô Đại Ngọc thông tin thêm: Hiện nay, Sở NN&PTNT đã chứng nhận được 6 chuỗi thực phẩm sạch, được kiểm soát từ khâu chế biến, thu mua, tiêu thụ. Bên cạnh đó, các cửa hàng thực phẩm sạch “nở rộ” tại Hà Nội thời gian gần đây cũng đang được người tiêu dùng tin tưởng. Ngành Nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các cửa hàng này thực hiện xác nhận sản phẩm an toàn.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).